Mục lục bài viết
1. Thế nào là vu khống trên mạng xã hội
Trong môi trường mạng xã hội thì mọi hành vi của chủ thể đều có những tác động ảnh hưởng nhất định đến trật tự, an toàn xã hội giống như ngoài đời thực, thậm chí còn để lại hậu quả nặng nề hơn bởi những tính năng vượt trội của mạng xã hội như: thời gian truyền tải thông tin nhanh chóng, tiếp cận đến nhiều người và có số lượng lớn tham gia bình luận, chia sẻ lại bài viết của chủ thể đăng tải một cách tiện lợi, dễ dàng.
Vu khống là (Hành vi) cố ý đưa ra hoặc cố ý loan truyền những thông tin không đúng sự thật có nội dung xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của người khác bằng những hình thức khác nhau như truyền miệng, qua phương tiện thông tin đại chúng, qua các trang mạng xã hội.
Theo khoản 3 Điều 16 Luật an ninh mạng 2018:
3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:
a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
2. Xử phạt hành vi vu khống trên mạng xã hội
Theo Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã ghi nhận mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng đảm bảo các quyền, lợi ích khác của cá nhân như: quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư; bí mật cá nhân và gia đình; quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm,… Vì vậy hành vi đăng tải, chia sẻ, bình luận có nội dung chưa được kiểm chứng, thông tin bịa đặt sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể bị xử phạt như sau:
Xử phạt vi phạm hành chính:
+ Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi: Bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức “Cảnh cáo” quy định bằng văn bản (theo Điều 22, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012).
+ Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên: Bị xử phạt về mọi vi phạm hành chính. Cụ thể bằng hình thức phạt tiền, mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với cá nhân và 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức ( khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử).
Xử lý hình sự:
Tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi phạm tội và đối tượng thực hiện hành vi từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
“Điều 156. Tội vu khống
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
….
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.
Nếu hành vi phạm tội vu khống vì động cơ đê hèn hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3. Cần làm gì khi bị vu khống trên mạng xã hội
Thứ nhất, yêu cầu văn phòng thừa phát lại lập vi bằng những status, hình ảnh hoặc bình luận có nội dung được cho rằng không đúng sự thật của mình. “Việc lập vi bằng cần phải thực hiện ngay sau khi phát hiện có hành vi xâm phạm, vì nếu để lâu, những thông tin đó có thể bị gỡ bỏ, xóa dấu vết”. Mục đích vi bằng là để ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do cơ quan thừa phát lại lập và được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Thứ hai, phản ánh đến các cơ quan thông tin đại chúng để công khai, minh bạch vấn đề nhằm bảo vệ uy tín của bản thân, gia đình và các cộng đồng mình đang tham gia làm đại diện.
Thứ ba, đề nghị công an vào cuộc điều tra
Người bị vu khống phải làm đơn tố giác tội phạm lên công an địa phương hoặc công an cấp trên quản lý trực tiếp để xác minh hành vi vi phạm, tìm ra cá nhân, tổ chức thật đã vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Sau khi xác minh cá nhân, tổ chức vi phạm và bằng chứng cứ (vi bằng được lập), nếu xác định hành vi vu khống, làm nhục người khác nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác thì cơ quan CSĐT sẽ khởi tố vụ án.
Trên đây là bài viết của Hãng Luật Bạch Tuyết về “Hành vi vu khống người khác trên mạng xã hội”. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Hãng Luật Bạch Tuyết theo thông tin sau đây để được tư vấn và sử dụng dịch vụ của chúng tôi:
1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết,
- Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
- Website: https://hangluatbachtuyet.com/
2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết – Chi nhánh Phú Nhuận
- Số điện thoại: 0376019226
Các bài viết liên quan:
Sử dụng hình ảnh trái phép của người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt tù lên đến 5 năm
Cảnh báo lừa đảo bằng hình thức làm nhiệm vụ qua app