Mục lục bài viết
1. Ghi chú kết hôn là gì?
Ghi chú kết hôn là thủ tục mà cơ quan có thẩm quyền Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch việc đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại nước ngoài.
Sau khi công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì cần thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam để được công nhận và đảm bảo được các quyền và lợi ích của chính mình cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của vợ/chồng của công dân đó nhằm mục đích như:
– Công nhận mối quan hệ vợ chồng giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài tại cơ quan Việt Nam;
– Bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em trong một số trường hợp tranh chấp dân sự.
– Hoàn tất các thủ tục yêu cầu phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn như làm giấy khai sinh cho con, mua bán tài sản, giải quyết tranh chấp,…
2. Điều kiện thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam?
Điều kiện ghi chú kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài gồm:
– Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào Sổ hộ tịch nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Về điều kiện chi tiết bạn có thể tham khảo thêm tại link bài viết này https://hangluatbachtuyet.com/thu-tuc-ket-hon-voi-nguoi-nuoc-ngoai/.
– Nếu vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng vào thời điểm yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em, thì việc kết hôn cũng được ghi vào Sổ hộ tịch.
3. Trình tự, thủ tục thực hiện việc ghi chú kết hôn
3.1. Hồ sơ chuẩn bị:
– Tờ khai theo mẫu quy định (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 15/2015/TT-BTP).
– Bản sao Giấy tờ chứng nhận việc kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
– Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc ghi chú kết hôn. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.
– Bản sao một trong những giấy tờ sau của cả 2 bên nam, nữ: Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.
– Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
– Nếu là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì phải nộp trích lục về việc đã ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Lưu ý:
– Các Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật.
– Đối với Giấy đăng ký kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch công chứng ra tiếng Việt.
3.2. Thẩm quyền giải quyết:
– Ủy ban nhân dân cấp huyện (Phòng tư pháp) nơi cư trú của công dân Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
3.3. Thời hạn giải quyết:
– 05 ngày làm việc kể từ ngày Phòng tư pháp tiếp nhận hồ sơ đầy đủ hợp lệ;
– Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc;
– Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện từ chối ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, Phòng Tư pháp thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho người yêu cầu.
3.4. Lệ phí: Không quá 75.000 đồng.
4. Các trường hợp từ chối ghi chú kết hôn?
Căn cứ theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, yêu cầu ghi chú kết hôn của hai bên sẽ bị cơ quan có thẩm quyền từ chối thực hiện nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Việc kết hôn vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.
– Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam.
Do vậy, nếu hai bên thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam sẽ không thể thực hiện và quan hệ hôn nhân đã đăng ký tại nước ngoài sẽ không được công nhận tại Việt Nam.
Trên đây là tư vấn của Hãng luật Bạch Tuyết về chủ đề “Thủ tục ghi chú kết hôn có yếu tố nước ngoài năm 2023”, Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết
- Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
- Website: https://hangluatbachtuyet.com/
2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết – Chi nhánh Phú Nhuận
- Số điện thoại: 0376 019 226
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Thủ tục ly hôn với người nước ngoài năm 2023
Thủ tục kết hôn với người nước ngoài năm 2023
Chồng có được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn?