Quyền về lối đi qua trên thửa đất liền kề

Theo quy định của Bộ luật dân sự, mở lối đi qua trên thửa đất liền kề là một trong các quyền khác đối với tài sản. Tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp người sở hữu bất động sản đều có thể thực hiện quyền này trên phần đất của bất động sản liền kề. Theo quy định của pháp luật, quyền này được thực hiện như thế nào?

1. Khái quát quyền về lối đi qua trên thửa đất liền kề

Để khái quát quyền về lối đi qua là một trong những quyền hạn chế đối với thửa đất liền kề (theo khoản 1 Điều 171 Luật Đất đai 2013, Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015). Theo quy định tại khoản 2 Điều 171 Luật Đất đai 2013 thì việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 95 của Luật Đất đai 2013.

Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận quyền về lối đi qua, theo đó chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Cần lưu ý rằng, lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi. Do đó, không thể tùy tiện yêu cầu mở lối đi ở bất cứ đâu mà cần phải xem xét hết các yếu tố kể trên.

Ngoài ra, Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong.

2. Căn cứ xác lập quyền về lối đi qua trên thửa đất liền kề

Theo quy định tại Điều 246, 254 Bộ luật Dân sự 2015 thì có 3 căn cứ xác lập quyền về lối đi qua:

* Theo quy định của Luật: Theo quy định tại khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 thì Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

* Theo thỏa thuận: Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc có thể thỏa thuận với Chủ sở hữu bất động sản liền kề khác để xác lập lối đi qua một cách thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

* Theo di chúc: Theo quy định tại Điều 246 BLDS 2015 thì quyền đối với bất động sản liền kề – lối đi qua có thể được xác lập theo di chúc

3. Đăng ký quyền về lối đi qua trên thửa đất liền kề

Việc đăng ký quyền đối với bất động sản liền kề – lối đi qua phải được tiến hành thông qua thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại điểm l khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 (đăng ký biến động đối với quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề).

Theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTTTT (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT) thì:

* Hồ sơ: (i) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo mẫu số 09/ĐK; (ii) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp của một bên hoặc các bên liên quan; (iii) hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề; (iv) Sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.

* Trình tự thủ tục: Theo quy định tại Điều 73 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hướng dẫn bởi khoản 8 Điều 9, Điều 11 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT:

(1) : Người đăng ký Quyền về lối đi qua nộp hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.

(2) Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thể hiện trên Giấy chứng nhận nếu có yêu cầu.

* Thời gian thực hiện thủ tục: Đăng ký xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề thì thời gian thực hiện không quá 10 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (điểm h khoản 2 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP). Trường hợp đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 15 ngày.

4. Giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến lối đi qua trên thửa đất liền kề

Tranh chấp về Quyền về lối đi qua là một dạng của tranh chấp đất đai (Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai). Theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai 2013 thì ngoài Tòa án, UBND cấp xã có thể tiến hành hòa giải, Chủ tịch UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng có thẩm quyền giải quyết (đối với trường hợp các bên không có giấy tờ).

Như vậy, trong trường hợp hàng xóm của bạn không đồng ý cho bạn được mở lối đi ra đường hoặc trường hợp các bên không thống nhất được vị trí, diện tích, mức đền bù, bạn hoàn toàn có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu  cầu giải quyết tranh chấp.

Trên đây là bài viết của Hãng Luật Bạch Tuyết về chủ đề  “Quyền về lối đi qua trên thửa đất liền kề”. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn và sử dụng dịch vụ.

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh

Các bài viết khác:

Number of views: 163

Leave a Reply

Your email address will not be published.