Có đơn xin xét xử vắng mặt nhưng Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng vẫn bị áp giải đến Tòa án

Có đơn xin xét xử vắng mặt nhưng cựu điều tra viên hoàng văn hưng vẫn bị áp giải đến tòa án

Vụ án chuyến bay giải cứu: Có đơn xin xét xử vắng mặt nhưng Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng vẫn bị áp giải đến Tòa án để tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm. Trước khi phiên tòa phúc thẩm được mở 02 ngày (ngày 23/12/2023), luật sư của bị cáo Hoàng Văn Hưng cho biết bị cáo Hưng vừa có đơn gửi tòa án xin nhận tội, đồng thời tác động, nhờ người thân, bạn bè nộp thay 18,8 tỉ đồng nhằm khắc phục hậu quả vụ án. Cùng với đó, bị cáo Hoàng Văn Hưng có đơn xin được xét xử vắng mặt.

Ngày 25/12/2023, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo của cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng thuộc Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an) và 20 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 04 ngày. Điều đáng chú ý là mặc dù bị cáo Hưng có đơn xin được xét xử vắng mặt nhưng vẫn được cảnh sát dẫn giải tới trụ sở tòa án để tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm.

Nhiều người thắc mắc rằng liệu bị cáo có được quyền đề nghị xét xử vắng mặt tại phiên tòa hay không? Hãng Luật Bạch Tuyết sẽ giải đáp câu hỏi này thông qua những quy định pháp luật hiện hành.

1.1. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo

Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định bị cáo các quyền sau:

“Bị cáo có quyền:

a) Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

b) Tham gia phiên tòa;

c) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

d) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa;

đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

g) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

h) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

i) Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;

k) Nói lời sau cùng trước khi nghị án;

l) Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;

m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.”

Bên cạnh đó, bị cáo còn có các nghĩa vụ sau:

“Bị cáo có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;

b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.”

Theo đó, tham gia phiên tòa hay có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án là quyền và nghĩa vụ của bị cáo. Nếu bị cáo vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.

Có đơn xin xét xử vắng mặt nhưng cựu điều tra viên hoàng văn hưng vẫn bị áp giải đến tòa án
có đơn xin xét xử vắng mặt nhưng cựu điều tra viên hoàng văn hưng vẫn bị áp giải đến tòa án. Nguồn ảnh: tuổi trẻ online

1.2. Các trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo

Khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:

a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;

b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;

c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;

d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.

Theo quy định trên, trường hợp bị cáo Hoàng Văn Hưng đề nghị xét xử vắng mặt thì phải được Hội đồng xét xử chấp nhận thì mới có thể xét xử vắng mặt bị cáo.

Trường hợp này Hội đồng xét xử không chấp nhận đề nghị xét xử vắng mặt của bị cáo Hoàng Văn Hưng là cần thiết để làm rõ hành vi của các bị cáo khác cũng như làm rõ thái độ nhận thức của Hưng tại giai đoạn phúc thẩm để xem xét có chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Bởi vì trong suốt quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm vụ chuyến bay giải cứu, bị cáo Hoàng Văn Hưng luôn khai không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo buộc. 

Như vậy, Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng vẫn bị áp giải đến Tòa án dù có đơn xin xét xử vắng mặt là phù hợp theo quy định pháp luật. Giải đáp câu hỏi “Bị cáo có được quyền đề nghị xét xử vắng mặt tại phiên tòa hay không?” thì câu trả lời là bị cáo có quyền đề nghị nhưng phải được Hội đồng xét xử chấp nhận. 

Trên đây là bài viết liên quan đến “Có đơn xin xét xử vắng mặt nhưng Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng vẫn bị áp giải đến Tòa án”, Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào khác  hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

  • Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
  • Email: luatbachtuyet@gmail.com
  • Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết
  • Website: hangluatbachtuyet.com
  • Địa chỉ trụ sở chính: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Địa chỉ chi nhánh 1: 144D Nguyễn Đình Chính, phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan:

Number of views: 102

Leave a Reply

Your email address will not be published.