Dùng CMND khi đã có CCCD gắn chip bị phạt đến 500.000 đồng?

Dùng cmnd khi đã có cccd gắn chip có thể bị xử phạt!

Hiện nay nhiều người dân vẫn dùng CMND khi đã có CCCD gắn chip. Bởi vì kể từ ngày 22/01/2021, Bộ Công an yêu cầu các địa phương dừng việc cấp chứng minh nhân dân (CMND) thay vào đó bắt đầu tiên khai cấp Căn cước công dân (CCCD) có gắn thẻ chip nhưng rất nhiều người chỉ bị cắt góc CMND cũ mà không bị thu hồi lại hoặc thậm chí còn bị “bỏ sót” không cắt góc. Hoặc nhiều người báo mất CMND để không giao nộp cho công an dẫn đến tình trạng nhiều người vẫn còn cả CCCD gắn chip và CMND còn hạn sử dụng không bị cắt góc.

Theo đó, nhiều người vẫn thản nhiên dùng song song CCCD gắp chip và CMND vì nghĩ rằng CMND vẫn còn hạn sử dụng. Vậy có được dùng CMND còn hạn song song với CCCD gắn chip không?

Hãng Luật Bạch Tuyết sẽ thông tin đến mọi người về vấn đề này bằng bài viết dưới đây.

1. Có được dùng CMND khi đã có CCCD gắn chip không?

Khoản 3 Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD nêu rõ: “3. Thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân”.

Đồng thời, khoản 8 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA cũng quy định: “8. Thu hồi Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân cũ đối với trường hợp công dân làm thủ tục đổi từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân”.

Như vậy, theo quy định này, khi đổi từ CMND sang CCCD thì người dân sẽ bị thu hồi thẻ CMND cũ nên sẽ không thể sử dụng song song cả CMND và CCCD gắn chip mới. Có thể hiểu rằng khi người dân được cấp CCCD gắn chip thì CMND cũ không còn giá trị sử dụng.

Theo quy định tại hai Thông tư trên, sau khi cấp CCCD sẽ phải thu hồi CMND. Đồng nghĩa, CMND sẽ không còn giá trị sử dụng dù còn nguyên vẹn và còn hạn sử dụng nên không thể sử dụng song song hai loại giấy tờ này.

Dùng cmnd khi đã có cccd gắn chip có thể bị xử phạt!
Dùng cmnd khi đã có cccd gắn chip có thể bị xử phạt!

2. Dùng CMND khi đã có CCCD gắn chip có bị phạt không?

Khi công dân đổi CMND sang CCCD gắn chip, CMND cũ sẽ không còn giá trị sử dụng kể từ ngày người dân nhận được CCCD gắn chip. Do đó, trường hợp người dân đang có hai loại giấy tờ này mà khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính vẫn cố tình sử dụng CMND cũ mặc dù còn nguyên vẹn và hạn sử dụng thì vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính do không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, đối với hành vi này, mức phạt là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Bên cạnh đó, việc thay đổi CMND cũ thành CCCD gắn chip dẫn đến việc thay đổi thông tin đăng ký thuế, trường hợp người dân không thông báo thay đổi cho cơ quan thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi có thể bị xử phạt từ mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

Ngoài ra, việc dùng CMND cũ khi đã có CCCD gắn chip trong các giao dịch còn gây khó khăn và bất tiện trong việc chứng minh tư cách cá nhân, tốn thời gian thực hiện cập nhật CCCD gắn chip sau này. Vì vậy, người dân nên sửa đổi, cập nhật một số thông tin trong các giao dịch khi đổi CMND sang CCCD.

3. Một số thông tin cần cập nhật khi đã có CCCD gắn chip

3.1. Thông tin tài khoản ngân hàng

Trong quá trình thực hiện các giao dịch tại ngân hàng, người dân phải xuất trình giấy tờ tùy thân còn hạn. Việc sử dụng không đồng nhất thông tin CMND cũ hoặc CCCD gắn chip có thể gây rắc rối trong việc thực hiện các giao dịch, chưa kể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Do đó, khi đã đổi CMND sang CCCD gắn chip, người dân cần cập ngay nhật số CCCD mới với ngân hàng. Việc cập nhật thông tin tại ngân hàng được thực hiện khá đơn giản và không mất quá nhiều thời gian nên Hãng Luật Bạch Tuyết khuyến khích mọi người nhanh chóng thực hiện để tránh những rủi ro có thể xảy ra.

3.2. Thông tin đăng ký thuế

Theo khoản 2 Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019 quy định người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế (bao gồm thông tin về số CMND, CCCD) thì phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Do đó, khi đổi từ CMND cũ sang CCCD gắn chip, người dân cần thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi (ngày được cấp CCCD gắn chip).

3.3. Cấp đổi hộ chiếu

Khoản 1, Điều 23 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định trách nhiệm của người được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh là: “… Làm thủ tục cấp mới khi giấy tờ xuất nhập cảnh bị hỏng, thay đổi thông tin về nhân thân, đặc điểm nhận dạng, xác định lại giới tính”.

Ngoài ra, Điều 33 quy định về điều kiện xuất cảnh của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 cũng quy định: “Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên….”.

Theo đó, hộ chiếu còn thời hạn sử dụng dưới 6 tháng, hộ chiếu bị hỏng, mất, thay đổi thông tin về nhân thân, đặc điểm nhận dạng, giới tính, nếu có nhu cầu xuất cảnh thì cấp đổi hộ chiếu. Như vậy, thay đổi số CMND thành số CCCD tức là thay đổi thông tin nhân thân, cần phải cấp đổi hộ chiếu mới, vì trên hộ chiếu cũ có in số CMND trước đây.

3.4. Thông tin sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế

Sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) không thể hiện trực tiếp thông tin số CMND/CCCD nên công dân không bắt buộc phải làm thủ tục đổi sổ BHXH, thẻ BHYT mới khi đổi từ CMND cũ sang thẻ CCCD gắn chip.

Tuy nhiên, để thực hiện các thủ tục liên quan như tra cứu quá trình tham gia BHXH, hạn sử dụng BHYT và đối chiếu thông tin cá nhân trong quá trình thăm khám tại các cơ sở y tế thì công dân cần cập nhật thông tin hồ sơ BHXH, thẻ BHYT để tránh mất thời gian xác minh thông tin.

3.5. Thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4, Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) quy định về việc thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận. Thông tin ghi trên giấy chứng nhận bao gồm: Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú.

Việc thay đổi số CMND/CCCD không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất và không bắt buộc người sử dụng đất phải cập nhật thay đổi. Tuy nhiên, để tránh gặp rủi ro trong các giao dịch mua bán sau này, người dân có thể cân nhắc việc đổi lại thông tin cho khớp với số thẻ CCCD gắn chip.

Thêm vào đó, thông tin CMND cũ còn hiển thị trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khi đã có CCCD gắn chip thì khi thực hiện các thủ tục chuyển quyền như tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế,… cơ quan nhà nước sẽ thực hiện thêm thủ tục cập nhật thông tin CCCD gắn chip trước khi biến động sang tên. Điều này có thể tốn thêm thời gian và phiền hà cho người dân trong trường hợp cần thực hiện gấp thủ tục.

Ngoài ra, người dân nên rà soát lại các giao dịch mình tham gia có sử dụng thông tin CMND cũ để cập nhật thông tin CCCD gắn chip để tránh những rủi ro, thiệt hại cho mình.

Trên đây là tư vấn của Hãng luật Bạch Tuyết về chủ đề “Dùng CMND cũ khi đã có CCCD gắn chip có thể bị phạt đến 500.000 đồng”, Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết có liên quan:

Number of views: 260

Leave a Reply

Your email address will not be published.