Chứng minh trong tố tụng hình sự là quá trình tổng hợp của các hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Trong đó, thu thập chứng cứ là hoạt động đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự.
Mục lục bài viết
Khái quát về chứng cứ trong vụ án hình sự
Theo Điều 86 Bộ luật TTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, năm 2021: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”
Việc thu thập chứng cứ không chỉ được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng như: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án mà còn được thực hiện bởi chủ thể là luật sư trong vai trò tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa. Cụ thể người bào chữa được quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu.
Chứng cứ phải đáp ứng được ba thuộc tính: Tính khách quan; tính liên quan; thu thập hợp pháp. Chúng thể hiện các mặt khác nhau của chứng cứ nhưng liên quan rất chặt chẽ với nhau tạo thành thể thống nhất về nội dung cũng như hình thức, bảo đảm cho chứng cứ có giá trị chứng minh. Thiếu một trong các thuộc tính này thông tin, tư liệu thu thập được không thể được coi là chứng cứ. Chứng cứ dùng để chứng minh hành vi có tội (để buộc tội), không có tội (gỡ tội) hoặc để chứng minh tính chất, mức độ hành vi, nhân thân và các tình tiết khác của vụ án hình sự.
Việc thu thập chứng cứ mà pháp luật tố tụng hình sự quy định được hiểu là thu thập nguồn chứng cứ hoặc thu thập ngay chính chứng cứ. Ví dụ: Thu thập con dao dính máu tại hiện trường vụ án là thu thập nguồn chứng cứ nhưng thu thập vết máu (nếu có) còn đọng lại trên nền nhà nơi xảy ra vụ án giết người qua khám nghiệm hiện trường lại là thu thập chứng cứ.
Quyền thu thập chứng cứ của Luật sư khi tham gia vào vụ án Hình sự
Theo Khoản 2, Điều 88 Bộ luật TTHS hiện hành: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.”
Như vậy Luật sư là chủ thể có quyền thu thập chứng cứ, trong quá trình thực hiện hoạt động gỡ tội cho thân chủ của mình, trong trường hợp không thể tự mình thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa thì luật sư có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập. (Ví dụ: đề nghị Tòa án, cơ quan điều tra cung cấp chứng cứ hồ sơ vụ án để thực hiện hoạt động bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ.)
Ngoài ra, việc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, liên quan đến việc bào chữa: Bên cạnh việc trực tiếp, độc lập tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ, BLTTHS 2015 còn ghi nhận quyền của Luật sư trong việc tham gia vào các hoạt động thu thập chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng. Sự có mặt của luật sư khi người tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ sẽ góp phần bảo đảm tính khách quan, đúng trình tự, thủ tục của người tiến hành tố tụng hoặc trấn an tinh thần của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Các hoạt động thu thập chứng cứ được thể hiện thông qua các việc như:
– Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;
– Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS;
– Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
– Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
– Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
– Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;
– Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;
– Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;
Luật sư còn tham gia vào các hoạt động điều tra khác như khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, xem xét dấu vết thân thể…cũng là một hoạt động cần thiết và có ý nghĩa; thông qua các hoạt động này, luật sư có thể phát hiện được những tình tiết mới của vụ án hoặc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, các tình tiết có ý nghĩa minh oan cho bị can trong trường hợp bị can vô tội, làm hạn chế tình trạng oan sai ngay từ giai đoạn điều tra trong tố tụng hình sự.
Trên đây là bài viết liên quan đến “Quyền thu thập chứng cứ của Luật sư trong tố tụng hình sự.” Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết,
- Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
- Website: https://hangluatbachtuyet.com/
2/ Chi nhánh: 529/122 Huỳnh Văn Bánh, Phường 13, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết – Chi nhánh Phú Nhuận
- Số điện thoại: 0376019226
Các bài viết liên quan:
Có đơn xin xét xử vắng mặt nhưng Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng vẫn bị áp giải đến Tòa án
Tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân từ năm 1960 đến nay
Quy trình thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất