Tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân từ năm 1960 đến nay

Tại Việt Nam, chế định về tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân có sự thay đổi rất lớn qua các thời kỳ. Trên cơ sở chọn lọc và xây dựng quy định gắn với tình hình thực tế của xã hội nên những quy định này có tính ứng dụng vào thực tiến rất cao. Ở bài viết này, tác giả sẽ phân tích chế định về tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân từ năm 1960 đến nay, cụ thể thông qua các Luật sau:

– Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959;

– Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986;

– Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000;

– Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

(Luật Hôn nhân và Gia đình dưới đây được viết tắt là “LHNGĐ”)

1. Tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo LHNGĐ năm 1959

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 bắt đầu có hiệu lực vào ngày 13/01/1960, tuy nhiên giai đoạn này nước Việt Nam chưa thống nhất nên chỉ mới có hiệu lực ở miền Bắc. Mãi đến năm 1977, khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất thì Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76-CP về việc hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cả nước thì Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 mới có hiệu lực ở miền Nam (có hiệu lực từ ngày 25/3/1977).

Điều 15 quy định: “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới.” Theo đó, tại giai đoạn này, Nhà nước quy định mọi tài sản của vợ chồng đều là tài sản chung dù đó là tài sản có trước khi cưới hay sau khi cưới, không có tài sản riêng.

Vậy, phần sở hữu của mỗi bên trong khối tài sản chung này được xác định như thế nào?

Điều 29 có quy định rằng: “Khi ly hôn, việc chia tài sản sẽ căn cứ vào sự đóng góp về công sức của mỗi bên, vào tình hình tài sản và tình trạng cụ thể của gia đình. Lao động trong gia đình được kể như lao động sản xuất.

Khi chia phải bảo vệ quyền lợi của người vợ, của con cái và lợi ích của việc sản xuất.”

Mặc dù tất cả tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung nhưng pháp luật thời điểm này lại đề cao công sức đóng góp của một bên vợ/chồng và sẽ căn cứ vào phần công sức này để phân chia tài sản khi ly hôn.

2. Tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo LHNGĐ năm 1986

Tại giai đoạn này, luật pháp Việt Nam đã bắt đầu phân chia tài sản của vợ chồng gồm tài sản chung và tài sản riêng. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được cho chung – theo Điều 14 LHNGĐ năm 1986. Còn tài sản riêng của vợ chồng là những tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc được cho riêng trong thời kỳ hôn nhân – theo Điều 16 LHNGĐ năm 1986.

Về việc phân chia phần sở hữu của mỗi bên vợ/chồng trong khối tài sản chung đã có sự khác biệt so với LHNGĐ năm 1959. Như tác giả có phân tích ở trên, LHNGĐ năm 1959 dựa vào công sức đóng góp của một bên vợ/chồng để xác định phần sở hữu của mỗi bên. Tuy nhiên, Điều 42 LHNGĐ năm 1986 quy định như sau: “Khi ly hôn, việc chia tài sản do hai bên thoả thuận, và phải được Toà án nhân dân công nhận. Nếu hai bên không thoả thuận được với nhau thì Toà án nhân dân quyết định.

Việc chia tài sản khi ly hôn, về nguyên tắc, phải theo những quy định dưới đây:

a) Tài sản riêng của bên nào thì vẫn thuộc quyền sở hữu của bên ấy;

b) Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, nhưng có xem xét một cách hợp lý đến tình hình tài sản, tình trạng cụ thể của gia đình và công sức đóng góp của mỗi bên;”

Như vậy, về cơ bản, LHNGĐ năm 1986 xác định tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng sẽ được chia cho mỗi bên một nửa, nhưng các bên có quyền đòi hỏi một quyền lợi cao hơn khi chứng minh được công sức đóng góp của mình là lớn hơn hoặc các tình tiết đặc biệt liên quan đến tình trạng tài sản, tình trạng gia đình.

Ví dụ: Điểm b khoản 3 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP năm 1988 có quy định như sau: “Đồ trang sức mà người vợ hoặc người chồng được cha mẹ vợ hoặc chồng tặng cho riêng trong ngày cưới là tài sản riêng, nhưng nếu những thứ đó được cho chung cả hai người với tính chất là tạo dựng cho vợ chồng một số vốn thì coi là tài sản chung. Khi chia tài sản chung, những trang sức có giá trị không lớn so với tài sản chung thì chia cho người đang sử dụng;”

Ngoài ra, tại LHNGĐ năm 1986 đang bắt đầu tiếp cập đến việc tài sản chung của vợ chồng là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất thông qua quy định tại Điều 15 nói rằng những giao dịch liên quan đến tài sản có giá trị lớn của vợ chồng thì phải được sự thỏa thuận của vợ, chồng.

3. Tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo LHNGĐ năm 2000

Về cơ bản, chế định về tài sản trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng theo LHNGĐ năm 2000 là không quá khác biệt so với LHNGĐ năm 1986. Cụ thể:

Điều 27 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.”

Điều 32 quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân.”

Khi so sánh, dễ dàng thấy được rằng chế định về tài sản trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng theo LHNGĐ năm 2000 chỉ cụ thể hơn, chi tiết hơn so với LHNGĐ năm 1986. Còn về bản chất, LHNGĐ năm 2000 cơ bản đang kế thừa quy định của LHNGĐ năm 1986.

Về căn cứ phân chia tài sản chung, tác giả nhận thấy rằng, LHNGĐ năm 2000 đề cao việc thỏa thuận của vợ chồng khi chia tài sản chung. Thể hiện qua việc có nhiều điều khoản trong Luật cùng các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định cụ thể, chi tiết về việc thỏa thuận phân chia tài sản như thế nào là hợp pháp.

Ngoài ra, Điều 28 LHNGĐ đã luật hóa được tính chất của tài sản chung của vợ chồng: “Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.”.

4. Tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo LHNGĐ năm 2014

LHNGĐ năm 2014 có một điểm rất mới đó là cho phép hai bên nam nữ được quyền thỏa thuận về chế độ tài sản trước khi kết hôn. Như vậy, các bên hoàn toàn có quyền lựa chọn chế độ tài sản làm kim chỉ nam trong quá trình hôn nhân của mình đó là chế độ tài sản theo thỏa thuận hay chế độ tài sản theo luật định.

– Về chế độ tài sản theo thỏa thuận: Xem thêm bài viết Hợp đồng tiền hôn nhân tại Việt Nam

– Về chế độ tài sản theo luật định:

Khoản 1 Điều 33 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.”

Tại đây, có thể thấy ngay một điểm rất mới trong quy định của LHNGĐ năm 2014 là tài sản chung của vợ chồng bao gồm cả hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của một bên. Ngoài ra, những điểm còn lại tương đối tương đồng với LHNGĐ năm 2000.

Khoản 1 Điều 43 quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.”

Xã hội ngày càng phát triển, mỗi cá nhân trong xã hội thể hiện rõ tính tự chủ, độc lập của mình ngay cả trong quan hệ hôn nhân. Do đó, LHNGĐ năm 2014 đã mở rộng quyền sở hữu tài sản riêng của vợ chồng ra rất nhiều. Tuy nhiên, dù mở rộng nhưng nhà làm luật vẫn rất chú trọng đến phần tài sản nhằm đảm bảo cuộc sống hôn nhân của vợ chồng, thông qua các quy định tại Điều 29, Điều 30, Điều 31.

Trên đây là bài viết “Chế định tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân từ năm 1960 đến nay” của Hãng Luật Bạch Tuyết. Nội dung bài viết chỉ đưa ra những quy định khái quát nhất, do đó, nếu muốn hiểu rõ hơn, mọi người có thể liên hệ với chúng tôi theo cách thức sau:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan: 

Đứng tên giùm trên Bất động sản – Quy định pháp luật và rủi ro pháp lý?

Number of views: 242

Leave a Reply

Your email address will not be published.