Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều 12 Luật doanh nghiệp 2020 quy định nếu doanh nghiệp có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ phải quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự nắm rõ cách thức thực hiện việc phân chia quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong Điều lệ dẫn đến tình trạng Điều lệ không có bất cứ quy định nào.
Dự liệu vấn đề trên, Luật doanh nghiệp 2020 quy định trường hợp Điều lệ không có quy định thì mỗi người đại diện theo pháp luật đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba và tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp. Điều này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, chẳng hạn một doanh nghiệp có 2 người đại diện tuy nhiên bởi vì một trong số những người đại diện có hành vi vi phạm và gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà Điều lệ không có quy định cụ thể về phân chia quyền, nghĩa vụ của những người này, dẫn đến tình trạng người đại diện còn lại được xem là phải liên đới chịu trách nhiệm là một điều khá vô lý. Hoặc tình trạng có sự bất đồng ý kiến giữa những người đại diện theo pháp luật thì giải quyết như thế nào?
Vì vậy, bài viết hôm nay của Hãng luật Bạch Tuyết sẽ gửi đến Quý bạn đọc về chủ đề “Phân chia quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong doanh nghiệp”. Chi tiết mời Quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Những vấn đề cần lưu ý khi thực hiện phân chia quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật
– Cần quy định rõ chức danh, nhiệm vụ, quyền hạn của những người đại diện theo pháp luật và xác định rõ thẩm quyền của những người cùng là người đại diện theo pháp luật nhưng khác nhau về chức danh quản lý, điều hành, ví dụ:
• Phân định thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật trong việc ký giao kết hợp đồng, giao dịch theo tiêu chí từng lĩnh vực hoặc theo chức năng. Ví dụ người phụ trách các giao dịch mang tính chất đối nội (nhân sự, kế toán,…), người phụ trách các giao dịch mang tính chất đối ngoại (bán lẻ, marketing,…).
• Xác định rõ các hợp đồng giao dịch cần phải được sự chấp thuận của tất cả người đại diện hoặc chỉ cần một người, giải quyết trong trường hợp có sự bất đồng ý kiến. Ví dụ: hợp đồng giao dịch có giá trị từ […] trở lên, việc tham gia tố tụng của công ty với tư cách đương sự,…
• Xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm liên đới hay riêng lẻ giữa những người đại diện theo pháp luật: ví dụ: Các vấn đề mà những người đại diện theo pháp luật của công ty cùng thống nhất và đưa đến quyết định, tuy nhiên đây là hành vi trái pháp luật và gây thiệt hại cho công ty thì trong trường hợp này những người đại diện theo pháp luật cùng liên đới chịu trách nhiệm. Ngược lại, những vấn đề đã được phân chia thẩm quyền cho một trong số những người đại diện theo pháp luật mà người này có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho công ty, thì người này sẽ phải chịu trách nhiệm riêng lẻ đối với hành vi của mình.
• Xây dựng cơ chế giám sát trong việc thực hiện quyền, tuân thủ nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Bao gồm cơ chế giám sát lẫn nhau giữa những người đại diện và cơ chế giám sát của Ban kiểm soát/Hội đồng quản trị hoặc chủ sở hữu đối với người đại diện. Ví dụ, một người đại diện phát hiện người đại diện còn lại có hành vi giao kết hợp đồng, giao dịch vượt quá thẩm quyền, trái pháp luật thì phải có động thái phản đối hoặc báo cáo cho HĐQT để kịp thời ngăn chặn, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục.
– Cần xác định rõ trách nhiệm của từng người đại diện theo pháp luật trong phạm vi được phân chia quyền, nghĩa vụ và xây dựng cơ chế để phối hợp hiệu quả.
2. Gợi ý một số mô hình phân chia quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật
– Mô hình 1: Phân chia thẩm quyền đại diện phù hợp với chức vụ, thẩm quyền quản lý của từng người đại diện theo pháp luật
Theo đó, người đại diện theo pháp luật có chức vụ mang tính chất gắn bó với chủ sở hữu (chủ tịch Hội đồng quản trị, chủ tịch Hội đồng thành viên) sẽ đại diện công ty trong việc giao kết các giao dịch liên quan trực tiếp đến quyền lợi của chủ sở hữu như mua bán, tặng cho tài sản của công ty hoặc ký kết các giao dịch có giá trị lớn, ngược lại, những người đại diện theo pháp luật có chức vụ mang tính chất chuyên môn điều hành việc kinh doanh, sản xuất (như giám đốc, tổng giám đốc) sẽ đại diện công ty trong giao kết các giao dịch liên quan đến công việc này, ví dụ nhân sự, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ,…
– Mô hình 2. Phân chia thẩm quyền đại diện theo phạm vi địa bàn mà người đại diện theo pháp luật đó phụ trách
Trên thực tế, mô hình này thường không thường gặp đối với các công ty có trên 1 người đại diện theo pháp luật mà hay được thực hiện đối với các công ty có 1 người đại diện theo pháp luật nhưng người này ủy quyền cho người phụ trách khu vực, chi nhánh. Tuy vậy, các doanh nghiệp có từ 2 người đại diện theo pháp luật trở lên cũng có thể xem xét đây là một gợi ý để thực hiện việc phân chia thẩm quyền của những người đại diện.
– Mô hình 3. Phân chia thẩm quyền đại diện theo thẩm quyền quyết định, thông qua giao dịch
Khá tương đồng với mô hình 1, ở đây, các giao dịch cần phải có sự chấp thuận của Chủ sở hữu hoặc Hội đồng quản trị thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch hội đồng thành viên sẽ là người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền ký kết, ngược lại, các giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của Tổng giám đốc, giám đốc sẽ thuộc thẩm quyền ký kết của người đại diện theo pháp luật này này.
Ví dụ: mô hình phân chia thẩm quyền đại diện của Tổng công ty Bia – rượu – nước giải khát Hà Nội, phân chia thẩm quyền người đại diện theo pháp luật dựa vào thẩm quyền quyết định thông qua giao dịch.
Tuy nhiên, dù lựa chọn mô hình nào thì Doanh nghiệp cũng cần xây dựng đầy đủ hệ thống các quy định để giải quyết các vấn đề cần lưu ý tại mục 1 trên đây nhằm đảm bảo khả năng quản trị điều hành, tránh các rủi ro, tranh chấp. Nếu có bất kì vấn đề thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn của Hãng luật Bạch Tuyết liên quan đến vấn đề này, Quý kháng hàng hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết
- Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
- Website: https://hangluatbachtuyet.com/
2/ Chi nhánh: 529/122 Huỳnh Văn Bánh, Phường 14, Quận Phú Nhuận, TP.HCM
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết – Chi nhánh Phú Nhuận
- Số điện thoại: 0376 019 226