Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập, thực hiện

Không có quyền đại diện

Hiện nay, hoạt động của các doanh nghiệp diễn ra với quy mô ngày càng rộng, tính chất phức tạp. Kéo theo đó là phát sinh nhiều giao dịch mà người xác lập giao dịch đó không có quyền đại diện doanh nghiệp hoặc có quyền đại diện nhưng việc xác lập giao dịch lại vượt quá phạm vi đại diện.

Như vậy, việc người không có quyền đại diện hoặc có quyền đại diện nhưng việc xác lập giao dịch vượt quá phạm vi đại diện là gì? có hậu quả như thế nào?

1. Không có quyền đại diện và vượt quá phạm vi đại diện là gì?

Bộ Luật Dân sự 2015 không quy định cụ thể thế nào là “không có quyền đại diện” hay thế nào là “vượt quá phạm vi đại diện”. Căn cứ vào tư duy pháp lý cùng góc nhìn thực tiễn của tác giả, tác giả cho rằng:

– Không có quyền đại diện là cá nhân, tổ chức không được doanh nghiệp ủy quyền làm đại diện nhưng vẫn nhân danh doanh nghiệp xác lập giao dịch với bên khác. Trong ngữ cảnh này, những người không có quyền đại diện thường gặp là những người quản lý của công ty hoặc những nhân sự có chức danh cao trong công ty. Nguyên nhân là những người này không hiểu rõ thẩm quyền xác lập giao dịch hoặc biết nhưng vẫn làm do mong muốn giao dịch được xác lập nhanh chóng. Một trường hợp khác là những người này trước đó vẫn có thẩm quyền đại diện nhưng tại thời điểm xác lập giao dịch văn bản ủy quyền đã bị vô hiệu hoặc chấm dứt.

– Vượt quá phạm vi đại diện là cá nhân, tổ chức chỉ có quyền đại diện đối với một phần hợp đồng nhưng lại nhân danh doanh nghiệp xác lập toàn bộ hợp đồng.

Một ví dụ cho trường hợp vượt quá phạm vi đại diện như sau: Giám đốc Công ty A (là đại diện theo pháp luật của Công ty A) ủy quyền cho phó giám đốc công ty đại diện ký kết các hợp đồng có giá trị dưới 1.000.000.000 đồng. Tuy nhiên, phó giám đốc công ty lại ký hợp đồng với giá trị 1.5000.000.000 đồng. Lúc này xác định, phần giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên là phần vượt quá phạm vi đại diện của phó giám đốc.

2. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập

Khoản 1 Điều 142 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện”.

Khoản 1 Điều 143 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện”.

Tại đây, có thể dễ dàng thấy được điểm khác biệt về hậu quả pháp lý khi giao kết giao dịch với người không có quyền đại diện và người đại diện nhưng vượt quá phạm vi đại diện. Cụ thể với trường hợp không có quyền đại diện thì doanh nghiệp không có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ giao dịch, còn đối với trường hợp người đại diện vượt quá phạm vi giao dịch thì doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện phần giao dịch trong phạm vi đại diện, không có nghĩa vụ thực hiện phần giao dịch ngoài phạm vi đại diện.

Xét thấy, quy định nêu trên là dễ hiễu và phù hợp. Tuy nhiên, đối với trường hợp vượt quá phạm vi đại diện, việc xác định phần giao dịch trong và ngoài phạm vi đại diện là điều không dễ dàng. Bởi có nhiều loại giao dịch có tính liên kết cao trong từng giai đoạn, không thể phân định rõ ràng giá trị của từng giai đoạn cũng như rất khó để phân định giá trị mỗi công việc trong giai đoạn đó.

Như vậy, có phải mọi giao dịch với người không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện đều không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp với giao dịch hoặc phần vượt quá phạm vi đại diện của giao dịch đó hay không?

Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập
Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập

3. Các trường hợp ngoại lệ

Điều 142, 143 Bộ luật dân sự 2015 có quy định rõ một số trường hợp ngoại lệ mà dù giao dịch đó được xác lập với người không có quyền đại diện hay vượt quá phạm vi đại diện thì vẫn buộc doanh nghiệp thực hiện giao dịch, gồm:

(i) Người được đại diện đã công nhận giao dịch(trong trường hợp không có thẩm quyền đại diện) hoặc người đại diện đồng ý (trong trường hợp vượt quá phạm vi đại diện);

Trường hợp này có thể được thể hiện qua hành động người có thẩm quyền đại diện công ty gửi văn bản cho bên còn lại về việc công nhận hoặc đồng ý giao dịch.

(ii) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

Đối với trường hợp này, Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP có nêu cụ thể như sau:

“Được coi là người có thẩm quyền đã biết mà không phản đối khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a. Sau khi hợp đồng kinh tế đã được ký kết, có đấy đủ căn cứ chứng minh rằng người ký kết hợp đồng kinh tế đã báo cáo với người có thẩm quyền biết hợp đồng kinh tế đã được ký kết (việc báo cáo đó được thể hiện trong biên bản họp giao ban của Ban giám đốc, biên bản cuộc họp của Hội đồng thành viên hay Hội đồng quản trị, có nhiều người khai thống nhất về việc báo cáo là có thật…).

b. Người có thẩm quyền thông qua các chứng từ, tài liệu về kế toán, thống kê biết được hợp đồng kinh tế đó đã được ký kết và đang được thực hiện (đã ký trên hoá đơn, phiếu xuất kho, các khoản thu chi của việc thực hiện hợp đồng kinh tế hoặc trên sổ sách kế toán của pháp nhân…).

c. Người có thẩm quyền có những hành vi chứng minh có tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh theo thoả thuận của hợp đồng kinh tế (ký các văn bản xin gia hạn thời gian thanh toán, cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, ký các văn bản duyệt thu, chi hay quyết toán đối chiếu công nợ liên quan đến việc thực hiện hợp đồng kinh tế…).

d. Người có thẩm quyền đã trực tiếp sử dụng các tài sản, lợi nhuận có được do việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế mà có (sử dụng xe ôtô để đi lại, để kinh doanh mà biết do việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế đó mà có; sử dụng trụ sở làm việc do việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế thuê tài sản…).”

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP đã hết hiệu lực nhưng chúng ta vẫn có thể xem xét nội dung trong nghị quyết để giải thích pháp luật hiện hành.

(iii) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.

Một ví dụ cho trường hợp này như sau: Công ty A có 02 người đại diện theo pháp luật, điều lệ công ty có phân quyền cụ thể cho từng người đại diện. Công ty A và công ty B đã hợp tác một vài lần, công ty B cũng được công ty A thông báo về phần thẩm quyền của 02 người đại diện nêu trong điều lệ. Sau một thời gian hoạt động, công ty A thay đổi một phần nội dung điều lệ dẫn đến thẩm quyền của 02 người đại diện có sự thay đổi. Lúc này, người đại diện thứ nhất đại diện cho công ty A ký hợp đồng với công ty B, có đóng dấu của công ty A. Nếu căn cứ theo điều lệ cũ thì người đại diện thứ nhất có thẩm quyền ký hợp đồng nhưng căn cứ theo điều lệ thay đổi thì người đại diện thứ nhất không còn thẩm quyền ký hợp đồng, trong khi đó công ty A không thông báo cho công ty B biết về sự thay đổi này. Như vậy, trong trường hợp này, mặc dù người đại diện thứ nhất không có thẩm quyền đại diện nhưng công ty A là bên có lỗi dẫn đến việc công ty B không biết việc người đại diện thứ nhất không có thẩm quyền đại diện cho công ty A. Do đó, công ty A vẫn có nghĩa vụ phải thực hiện giao dịch với công ty B.

Như vậy, nếu không thuộc 03 trường hợp ngoại lệ này, doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ giao dịch hoặc phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện với bên thứ ba thì ai là người chịu trách nhiệm?

Khoản 2 Điều 142 và khoản 2 Điều 143 quy định rõ, trong những trường hợp trên, người không có thẩm quyền đại diện hoặc vượt quá thẩm quyền đại diện phải thực hiện các nghĩa vụ với bên thứ ba đã giao dịch với mình, trừ trường hợp bên thứ ba này biết hoặc phải biết người đó không có thẩm quyền đại diện hoặc vượt quá thẩm quyền đại diện mà vẫn giao dịch. Ngoài ra, bên thứ ba nếu không thuộc trường hợp biết hoặc phải biết thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp người không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện và bên thứ ba cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Quý khách hàng liên hệ với chúng tôi theo cách thức sau:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan: 

Đứng tên giùm trên Bất động sản – Quy định pháp luật và rủi ro pháp lý?

Huy động vốn khách hàng bằng cách ký kết hợp đồng đặt cọc

Number of views: 779

Leave a Reply

Your email address will not be published.