Hợp đồng tiền hôn nhân tại Việt Nam

Hợp đồng tiền hôn nhân tại việt nam

“Hợp đồng tiền hôn nhân” là khái niệm chưa xuất hiện trong từ điển pháp luật Việt Nam, vì thế chưa có quy định điều chỉnh việc thực hiện “Hợp đồng tiền hôn nhân”. Tuy nhiên, Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã có các quy định liên quan đến việc lựa chọn thực hiện chế độ tài sản của vợ chồng. Cụ thể, khoản 1 Điều 28 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định: “Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.” Theo đó, khi vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì sẽ lập thỏa thuận nêu rõ cách phân định tài sản trước và trong thời ký hôn nhân, thỏa thuận này thường được gọi tên là “Hợp đồng tiền hôn nhân”.

1. Điều kiện có hiệu lực của “Hợp đồng tiền hôn nhân”

Để Hợp đồng tiền hôn nhân có hiệu lực, phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Về thời điểm xác lập: Trước khi kết hôn (Trước khi hai bên nam nữ tiến hành đăng ký kết hôn);

– Về chủ thể xác lập: Việt Nam chưa công nhận hôn nhân đồng giới nên chủ thể ký kết Hợp đồng tiền hôn nhân gồm 01 nam, 01 nữ. Hai bên nam nữ phải đáp ứng được điều kiện về độ tuổi kết hôn là nam từ đủ 20 tuổi và nữ từ đủ 18 tuổi.

– Về hình thức: Hợp đồng tiền hôn nhân phải lập thành văn bản và được công chứng hoặc chứng thực;

– Về nội dung: Nội dung cơ bản của Hợp đồng tiền hôn nhân xác định được tài sản chung, riêng của vợ chồng; Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản và các thỏa thuận khác.

Hai bên có thể thỏa thuận theo một trong các nội dung như sau:

(i) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng: Thỏa thuận nêu rõ khi kết hôn thì tài sản nào xác định là tài sản chung, tài sản nào xác định là tài sản riêng. Ví dụ: Hai bên thỏa thuận những tài sản có được trước khi kết hôn là tài sản riêng của các bên. Khi kết hôn, tài sản có được từ tiền lương, thưởng, được thừa kế, được tặng cho riêng của mỗi bên là tài sản riêng của bên đó. Chỉ tài sản có được từ hoạt động kinh doanh chung của vợ chồng được xác định là tài sản chung của vợ chồng;

(ii) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung; (Khi ký kết thỏa thuận này, hai bên nam nữ đồng ý nhập chung khối tài sản riêng có được trước khi kết hôn; tài sản riêng có được từ thừa kế riêng, tặng cho riêng, chia riêng thành tài sản chung của vợ chồng => Giữa vợ, chồng không có tài sản riêng, tất cả tài sản đều là tài sản chung của vợ chồng);

(iii) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó; (Khi ký kết thỏa thuận này, hai bên nam nữ lưu ý thỏa thuận về nguồn tài sản phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình);

(iv) Ngoài ra, các bên có quyền thỏa thuận nội dung mà các bên mong muốn nhưng phải đảm bảo điều kiện có hiệu lực của loại thỏa thuận này (Các bên có quyền thỏa thuận tất cả tài sản trong thời kỳ hôn nhân thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng. Tuy nhiên, thỏa thuận này không được ảnh hưởng đến quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình cũng như không ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba của một bên vợ/chồng).

Hợp đồng tiền hôn nhân tại việt nam
Hợp đồng tiền hôn nhân tại việt nam

2. Một số trường hợp “Hợp đồng tiền hôn nhân” vô hiệu

Tại bài viết này, tác giả nêu ra một số trường hợp Tòa án tuyên bố Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ đồng (Hợp đồng tiền hôn nhân) vô hiệu như sau:

Trường hợp 1: Nội dung của Hợp đồng tiền hôn nhân vô hiệu do tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Ví dụ: Ông A sống với mẹ đến năm 40 tuổi thì lấy bà B (Gia đình ông A chỉ còn ông A và mẹ). Trước khi kết hôn, ông A cùng bà B lập Hợp đồng tiền hôn nhân, trong đó có nội dung sau khi ông A chết thì bà B sẽ được quyền thừa hưởng toàn bộ tài sản của ông A. => Tại đây xác định, nội dung trên đang tước bỏ quyền thừa kế của người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là mẹ của ông A nên sẽ bị vô hiệu đối với phần tài sản mà mẹ ông A sẽ nhận được khi ông A chết.

Trường hợp 2: Hợp đồng tiền hôn nhân vô hiệu do không đảm bảo điều kiện về hình thức

Các bên có lập hợp đồng tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn, tuy nhiên lại không tiến hành công chứng hoặc chứng thực Hợp đồng này nên Hợp đồng không có hiệu lực để thi hành.

Ngoài 02 ví dụ Hãng luật Bạch Tuyết đã nêu, mọi người có thể tham khảo thêm các trường hợp tòa án quyết định tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu được dẫn chứng cụ thể tại Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.

(Dẫn chứng: Điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP có nêu “Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm quyền được bảo đảm chỗ ở của vợ, chồng quy định tại Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 50 của Luật hôn nhân và gia đình là trường hợp thỏa thuận đó cho phép một bên được quyền định đoạt nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng dẫn đến vợ, chồng không có chỗ ở hoặc không bảo đảm chỗ ở tối thiểu về diện tích, điều kiện sinh hoạt, an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về nhà ở.”

3. Thực tiễn áp dụng và một số kiến nghị

3.1. Thực tiễn áp dụng

Hiện nay, việc hai bên nam nữ thỏa thuận về chế độ tài sản trước khi kết hôn dường như chưa được quan tâm và thực hiện. Theo quan điểm của 10 người được hỏi về việc “sẽ ký kết hợp đồng tiền hôn nhân hay không?” thì đến 09 người không đồng ý vì cho rằng vợ chồng khi bước vào hôn nhân thì nên tin tưởng nhau, không nên phân định quá rạch ròi tài sản riêng của mỗi người.

Một trong số những nguyên nhân dẫn đến lựa chọn này là vì chưa hiểu hết đặc điểm, tính chất của thỏa thuận về tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn. Pháp luật cho phép hai bên nam nữ được tự do thỏa thuận để định đoạt phần tài sản của hai bên trước khi bước vào hôn nhân (không chỉ gói gọn trong việc thỏa thuận tài sản ai làm ra là của người đó). Ngoài ra, còn một nguyên nhân lớn là vì xã hội Việt Nam còn chưa cởi mở, rất nhiều người có quan điểm nếu ký hợp đồng này thì chắc chắn không đến với nhau vì tình cảm hoặc hai bên không tin tưởng nhau, không muốn có cuộc sống lâu dài cùng nhau.

3.2. Một số kiến nghị

Luật Hôn nhân và Gia đình đã nêu cụ thể các trường hợp Hợp đồng tiền hôn nhân bị vô hiệu. Tuy nhiên, chưa quy định trường hợp vô hiệu vì ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người thứ 3. Ví dụ: Ông A đang có nghĩa vụ phải trả cho bà B số tiền 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng) theo Bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh X. Qua xác minh của Chi cục Thi hành án dân sự thì Ông A hiện tại không có tài sản để thi hành nghĩa vụ trên. Vài tháng sau, ông A kết hôn với bà C. Trước khi kết hôn, ông A và bà C có lập Hợp đồng tiền hôn nhân với nội dung toàn bộ tài sản trước và trong thời kỳ hôn nhân của A, C đều thuộc sở hữu riêng của C. Vậy, trong trường hợp ông A kinh doanh kiếm được đủ tiền để trả cho B nhưng căn cứ theo Hợp đồng tiền hôn nhân thì toàn bộ số tiền ông A kiếm được đều thuộc sở hữu của C nên ông A không trả. Vậy, thỏa thuận này đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của bà B. Vì thế, kiến nghị bổ sung thêm trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu vì ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người khác, cố tình trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba.

Thông tin liên hệ của Hãng luật Bạch Tuyết:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan:

Đứng tên giùm trên Bất động sản – Quy định pháp luật và rủi ro pháp lý?

Number of views: 977

Leave a Reply

Your email address will not be published.