Năm 2014, Tòa án công lý Châu Âu đã đưa ra phán quyết cho Mario Costeja Gonzalez, một công dân Tây Ban Nha, khi ông này yêu cầu Google xóa các kết quả tìm kiếm có liên quan đến quá khứ bị thu giữ tài sản thế chấp của mình được đăng trên tờ báo điện tử La Vanguardia năm 1998. Sau phán quyết này, Quyền được lãng quên trên internet dần phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới, chẳng hạn được ghi nhận trong các đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân ở EU (2018). Ở Việt Nam, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo đó đã chính thức ghi nhận quyền được lãng quên (Quyền xóa dữ liệu cá nhân). Qua bài viết này, Chúng ta sẽ tìm hiểu về quyền được lãng quên trên internet dưới góc nhìn từ Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Mục lục bài viết
1. Quyền được lãng quên trên internet
Điều 16 Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy định về quyền xóa dữ liệu cá nhân, theo đó, chủ thể dữ liệu được yêu cầu Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân xóa dữ liệu cá nhân của mình trong các trường hợp sau:
a) Nhận thấy không còn cần thiết cho mục đích thu thập đã đồng ý và chấp nhận các thiệt hại có thể xảy ra khi yêu cầu xóa dữ liệu;
b) Rút lại sự đồng ý;
c) Phản đối việc xử lý dữ liệu và Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân không có lý do chính đáng để tiếp tục xử lý;
d) Dữ liệu cá nhân được xử lý không đúng với mục đích đã đồng ý hoặc việc xử lý dữ liệu cá nhân là vi phạm quy định của pháp luật;
đ) Dữ liệu cá nhân phải xóa theo quy định của pháp luật.
Một số khái niệm cần lưu ý:
Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Ví dụ: thông tin về tên tuổi, tình trạng sức khỏe, quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo, thông tin về vị trí của cá nhân được xác định qua dịch vụ định vị,… là các dữ liệu cá nhân
Chủ thể dữ liệu là cá nhân được dữ liệu cá nhân phản ánh.
Ví dụ: những thông tin về tên tuổi, tình trạng sức khỏe,… của bạn thì bạn là chủ thể dữ liệu đối với những dữ liệu cá nhân đó.
Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân là tổ chức, cá nhân quyết định mục đích và phương tiện xử lý dữ liệu cá nhân.
Bên Xử lý dữ liệu cá nhân là tổ chức, cá nhân thực hiện việc xử lý dữ liệu thay mặt cho Bên Kiểm soát dữ liệu, thông qua một hợp đồng hoặc thỏa thuận với Bên Kiểm soát dữ liệu.
Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân là tổ chức, cá nhân đồng thời quyết định mục đích, phương tiện và trực tiếp xử lý dữ liệu cá nhân.
Ví dụ về Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân: Các công ty tương tác trực tiếp với chủ thể dữ liệu, chẳng hạn khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán lẽ, đại lý lữ hành,… tương tác trực tiếp với người tiêu dùng.
Ví dụ về Bên Xử lý dữ liệu cá nhân: Các công ty cung cấp các sản phẩm giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp như điện toán đám mây, các nhà cung cấp dịch vụ in ấn, chuyển phát và các công ty xử lý dữ liệu theo yêu cầu của một công ty khác.
Pháp luật quy định Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân/Bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân có nghĩa vụ xóa dữ liệu cá nhân bởi lẽ họ là chủ thể trực tiếp tương tác với Chủ thể dữ liệu, quyết định mục đích và phương tiện xử lý dữ liệu cá nhân (bao gồm loại dữ liệu, thời điểm thu thập dữ liệu,…) do vậy họ có nghĩa vụ phản hồi các yêu cầu về quyền lợi của Chủ thể dữ liệu (ở đây là quyền được xóa dữ liệu cá nhân), đồng thời họ quyết định liệu có lý do từ chối yêu cầu của Chủ thể dữ liệu hay không.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân thì việc xóa dữ liệu được thực hiện trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu với toàn bộ dữ liệu cá nhân mà Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thu thập được, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, từ ngày 01/7/2023 với việc Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc ghi nhận quyền được lãng quên trên internet.
2. Giới hạn quyền được lãng quên trên internet
Mặc dù việc xóa dữ liệu cá nhân là một quyền của chủ thể dữ liệu. Tuy nhiên, quyền yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân này hay nói cách khác là quyền được lãng quên là không tuyệt đối. Cụ thể, trong một số trường hợp để đảm bảo với các quyền cơ bản khác của con người như quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin,… mà dữ liệu cá nhân có thể sẽ không được xóa mặc dù chủ thể dữ liệu đã yêu cầu. Cụ thể, khoản 2 Điều 16 Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân thì việc xóa dữ liệu sẽ không áp dụng khi có đề nghị của chủ thể dữ liệu trong các trường hợp:
a) Pháp luật quy định không cho phép xóa dữ liệu;
b) Dữ liệu cá nhân được xử lý bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mục đích phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật;
c) Dữ liệu cá nhân đã được công khai theo quy định của pháp luật;
d) Dữ liệu cá nhân được xử lý nhằm phục vụ yêu cầu pháp lý, nghiên cứu khoa học, thống kê theo quy định của pháp luật;
đ) Trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật;
e) Ứng phó với tình huống khẩn cấp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe hoặc sự an toàn của chủ thể dữ liệu hoặc cá nhân khác.
Mặc dù chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, tuy nhiên Nghị định 13/2023/NĐ-CP đã ghi nhận một cách minh thị về quyền được lãng quên trên internet, đảm bảo cho việc thực thi quyền được lãng quên trên internet trên thực tế của chủ thể dữ liệu trong bối cảnh mà dữ liệu được xem là vàng trong kỉ nguyên số, đồng thời với đó cũng tạo ra một hàng rào mà theo đó quyền được lãng quên sẽ bị giới hạn – nhằm đáp ứng những lợi ích công cộng, những quyền cơ bản như quyền tiếp cận thông tin,…
Trên đây là bài viết của Hãng Luật Bạch Tuyết về chủ đề “Quyền được lãng quên trên internet – góc nhìn từ Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân”. Quý độc giả có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ với Chúng tôi theo thông tin sau để được tư vấn và sử dụng dịch vụ:
1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết
- Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
- Website: https://hangluatbachtuyet.com/
2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết – Chi nhánh Phú Nhuận
- Số điện thoại: 0376 019 226
Bài viết liên quan
Một số điều cần biết về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Phân biệt trốn thuế và tránh thuế
Sử dụng hình ảnh trái phép của người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt tù lên đến 5 năm