Phân biệt trốn thuế và tránh thuế

Trốn thuế và tránh thuế

Trốn thuế và tránh thuế là hai thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả các hoạt động tài chính liên quan đến việc giảm thiểu nghĩa vụ thuế. Trốn thuế và tránh thuế đều đề cập đến các chiến lược và hành động được thực hiện để giảm bớt nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản giữa hai khái niệm này nằm ở tính hợp pháp và tính chất của các hoạt động liên quan.. Trong bài viết dưới đây, Chúng ta sẽ tìm hiểu sự khác biệt giữa trốn thuế và tránh thuế, cùng với ví dụ và các quy định pháp lý liên quan.

1. Khái niệm trốn thuế và tránh thuế

Trốn thuế: hành vi bất hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, vi phạm quy định pháp luật về thuế là giảm số thuế phải nộp, hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm. Các hành vi trốn thuế được ghi nhận trong Nghị định 125/2020/NĐ-CP và Bộ luật hình sự Việt Nam

Tránh thuế: Vận dụng một cách hợp pháp chính sách thuế, chẳng hạn ưu đãi, hỗ trợ về thuế hoặc những khoảng trống quy định của pháp luật thuế từ đó giảm thiểu số tiền thuế thực nộp

Trốn thuế và tránh thuế
Trốn thuế và tránh thuế

2. Phương thức trốn thuế và tránh thuế

2.1. Trốn thuế: Vì trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật, bị cấm do đó pháp luật về thuế, hình sự có một hệ thống các hành vi được xem là trốn thuế, cụ thể

a) Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định này;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định này;

c) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;

d) Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;

đ) Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;

e) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;

g) Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định này.

b) Bộ luật hình sự 2015

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

Trốn thuế và tránh thuế
Trốn thuế và tránh thuế

2.2. Tránh thuế: Như đã nêu, tránh thuế là việc vận dụng một cách hợp pháp các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, do đó khả năng tìm hiểu, vận dụng các quy định của pháp luật, các chính sách ưu đãi về thuế và thực hiện các hành vi nhằm tránh thuế là vô cùng đa dạng. Nhìn chung, ở Việt Nam và trên thế giới phổ biến các hành vi sau:

a) Trong lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp:

  • Đăng ký trích khấu hao nhanh tài sản cố định trong trường hợp dự kiến có lãi nhiều hay ngược lại đăng ký trích khấu hao chậm nếu đang trong thời gian được ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Chọn đăng ký phương thức khấu hao thích hợp tùy theo dự kiến doanh nghiệp sẽ có lãi hay bị lỗ (phương thức đường thẳng; theo số dư giảm dần có điều chỉnh; hay theo số lượng, khối lượng sản phẩm);
  • Đăng ký chuyển lỗ trong vòng 5 năm vào những năm tài chính mà doanh nghiệp dự kiến sẽ có lãi lớn để dùng số lỗ đó giảm thu nhập chịu thuế;
  • Đăng ký hoạt động các công ty offshore hay chiến lược Hai người Ireland và bánh kẹp Hà Lan” (tiếng Anh: Double Irish With a Dutch Sandwich): Đây là hình thức tránh thuế tương đối phổ biến trên thế giới: các Công ty tận dụng các chính sách thuế ưu đãi của các thiên đường thuế hay các quốc gia có thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp, kết hợp với các Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần để từ đó chuyển doanh thu về quốc gia có ưu đãi thuế. Có thể kể đến trường hợp của Google vào năm 2009, theo đó, doanh thu từ quảng cáo tại Anh của hãng này trong năm 2008 đạt 1,6 tỉ bảng Anh. Đáng lẽ, Google phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 450 triệu bảng, nhưng thực tế Công ty không đóng thuế này mà chỉ đóng một số loại thuế khác với một khoản khiêm tốn là 141.519 bảng. Đó là do Google lách luật thành công qua việc chọn đặt trụ sở chính cho văn phòng châu Âu của họ ở Dublin, Ireland thay vì ở Anh. Nhờ đó, doanh thu từ hoạt động quảng cáo tại Anh được đưa về Ireland để chịu thuế với mức khá thấp (từ 12,8-15%). Trong khi đó, ở Anh, mức này lên tới 28-30%.

b) Trong lĩnh vực thuế nhập khẩu: nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ những nước có ký các hiệp định về ưu đãi thuế quan với Việt Nam (Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN) để được hưởng mức thuế suất thấp.

c) Trong lĩnh vực thuế thu nhập cá nhân: có thể kể ra các hành vi như chọn đối tượng nộp thuế là vợ hoặc chồng tùy theo thu nhập cao thấp của từng người trong việc kê khai giảm trừ gia cảnh đối với số người phụ thuộc trong gia đình nhằm mục đích giảm số thuế phải trả; doanh nghiệp không trả lương cho các cổ đông cá nhân tham gia hoạt động quản lý doanh nghiệp (thuế suất tối đa đối với tiền lương, tiền công chịu thuế thu nhập cá nhân ở mức 35%) để cổ đông nhận được cổ tức cao hơn (doanh nghiệp chỉ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 25% trên thu nhập trước thuế và cổ đông cá nhân đóng 5% thuế thu nhập cá nhân trên cổ tức nhận được)

d) Trong các lĩnh vực thuế khác: Có thể kể đến hoạt động của các doanh nghiệp trong cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc. Theo đó, từ tháng 03 năm 2018 Hoa Kỳ thông báo đánh thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Để trả đũa, ngày 02/4/2018 Trung Quốc áp thuế mới đối với 128 mặt hàng của Mỹ. Tiếp đó, các bên liên tục đưa ra các hàng rào thuế đối với hàng hóa có xuất xứ từ nước kia. Điều này đã khiến các doanh nghiệp của hai nước điêu đứng. Chính vì vậy, đã nổ ra một làn sóng di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy của các doanh nghiệp để “tránh thuế”, mà phổ biến nhất là việc các tập đoàn sản xuất ào ạt rời khỏi Trung Quốc để di dời tới các quốc gia khác không bị trừng phạt thuế như các quốc gia Asean, Ấn Độ,…

3. Hậu quả pháp lý của trốn thuế và tránh thuế

Trốn thuế: Vì là hành vi bị cấm, do đó tổ chức, cá nhân có hành vi trốn thuế sẽ bị xử lý tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, cụ thể:

  • Xử phạt vi phạm hành chính: Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP: Bao gồm hình thức xử phạt tiền, buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả,..
  • Xử lý hình sự: Điều 200 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung bởi Điểm a khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017): Bao gồm hình thức xử phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Tránh thuế: Là hành vi hợp pháp, do đó tổ chức, cá nhân có hành vi tránh thuế hiện nay sẽ không bị xử lý.

Trên đây là bài viết của Hãng Luật Bạch Tuyết về chủ đề “Phân biệt trốn thuế và tránh thuế”. Quý độc giả có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ với Chúng tôi theo thông tin sau để được tư vấn và sử dụng dịch vụ:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan

Hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT khi sáp nhập doanh nghiệp

Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì? Những quy định chung cần biết

Doanh nghiệp bị đóng mã số thuế thì có được xuất hóa đơn không?

 

 

Number of views: 501

Leave a Reply

Your email address will not be published.