Tình trạng phá sản của doanh nghiệp được xác định khi nào?

Doanh nghiệp bị xác định lâm vào tình trạng phá sản khi nào

Khoản 2 Điều 4 Luật phá sản 2014 có quy định “phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”. Từ định nghĩa trên có thế thấy doanh nghiệp bị xác định là lâm vào tình trạng phá sản khi mất khả năng thanh toán và bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.

1. Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp bị xem là mất khả năng thanh toán nếu không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Việc không thanh toán của doanh nghiệp bao gồm cả trường hợp doanh nghiệp không có tài sản để thanh toán khoản nợ và có tài sản nhưng không thanh toán khoản nợ. Khoản nợ không thanh toán không bị yêu cầu một mức cụ thể.

Theo hướng dẫn tại Công văn 199/TANDTC-PC 2020 do Tòa án nhân dân tối cao ngày 18/12/2020 thì khoản nợ để xác định doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán phải đáp ứng điều kiện sau:

– Là khoản nợ cụ thể, rõ ràng do các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại, hoặc được xác định trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền và các bên không có tranh chấp về khoản nợ này.

– Khoản nợ đến hạn thanh toán là khoản nợ đã được xác định rõ thời hạn thanh toán, mà đến thời hạn đó doanh nghiệp phải có nghĩa vụ trả nợ. Thời hạn thanh toán này được các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại hoặc trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Doanh nghiệp bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản

Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Để Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì chủ thể có quyền và/hoặc chủ thể có nghĩa vụ phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đó.

Các chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm: chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán; người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán; Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán; Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

Các chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Tòa án sẽ xem xét doanh nghiệp có mất khả năng thanh toán không để ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đó. Trường hợp doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản qua quá trình xem xét và thực hiện các thủ tục cần thiết nếu vẫn bị xác định là mất khả thanh toán thì sẽ bị tuyên bố phá sản. Trường hợp không đồng ý với các quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố phá sản thì người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị xem xét lại các quyết định này theo trình tự thủ tục quy định tại Luật Phá sản.

Trên đây là bài viết của Hãng Luật Bạch Tuyết về chủ đề  “Tình trạng phá sản của doanh nghiệp được xác định khi nào?”. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn và sử dụng dịch vụ.

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh

Các bài viết khác:

Number of views: 887

Leave a Reply

Your email address will not be published.