Tách thửa đất, hợp thửa đất là một trong những quyền của Người sử dụng đất. Hiện nay, Luật Đất đai 2013 không quy định chi tiết điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất. Nghị định số 148/2020/NĐ-CP quy định việc quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Việc giao cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể điều kiện tách thử đất, hợp thửa đất mà Luật đất đai không có ghi nhận nguyên tắc, điều kiện nào dẫn đến tình trạng trong thời gian vừa qua, hàng loạt địa phương đã ban hành các văn bản nhằm hạn chế đối với việc tách thửa đất với lý do “tránh tình trạng phân lô, bán nền” và rất nhiều trong số các văn bản này đã bị hủy bỏ. Đơn cử như Công văn số 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ ngày 22/3/2022 của Sở Tài Nguyên & Môi trường Hà Nội) hoặc UBND cấp tỉnh ban hành văn bản nhằm mục đích hạn chế tách thửa trái luật. Đơn cử là trường hợp Văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng số 4911/UBND-ĐC ngày 5/7/2022 về tiếp nhận, xem xét, giải quyết hồ sơ tách thửa, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh; văn bản số 1952/UBND-ĐC1 ngày 16/3/2023 về việc xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vào cuộc giải quyết và buộc phải hủy bỏ.
Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất tại Điều 220, cụ thể:
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc, điều kiện chung trong tách thửa đất, hợp thửa đất.
- Thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất;
- Đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp đất có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất, hợp thửa đất;
- Việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp nước, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý. Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất hoặc hợp thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.
2. Nguyên tắc, điều kiện tách thửa đất
Ngoài những nguyên tắc chung nêu tại Mục 1 trên đây, việc tách thửa đất còn phải đáp ứng các nguyên tắc, điều kiện sau:
- Các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề;
- Trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng. Đối với thửa đất có đất ở và đất khác thì không bắt buộc thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa;
- Trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án mà việc phân chia không bảo đảm các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa.
3. Nguyên tắc, điều kiện hợp thửa đất
Ngoài những nguyên tắc chung nêu tại Mục 1 trên đây, việc hợp thửa đất còn phải đáp ứng các nguyên tắc, điều kiện sau:
- Việc hợp các thửa đất phải bảo đảm có cùng mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hình thức trả tiền thuê đất trừ trường hợp hợp toàn bộ hoặc một phần thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất với nhau và trường hợp hợp thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất với thửa đất ở;
- Trường hợp hợp các thửa đất khác nhau về mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hình thức trả tiền thuê đất thì phải thực hiện đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức trả tiền thuê đất để thống nhất theo một mục đích, một thời hạn sử dụng đất, một hình thức trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.
Bài viết liên quan
Diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa tại 63 tỉnh, thành
Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế & xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp được tăng thêm theo Luật Đất đai 2024.
Luật Đất đai 2024 bãi bỏ khung giá đất
Trên đây là bài viết của Hãng Luật Bạch Tuyết về chủ đề “Điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo Luật Đất đai 2024”. Nếu có thắc mắc gì liên quan đến chủ đề trên hoặc vướng mắc ở các lĩnh vực pháp lý khác, Quý Khách hàng liên hệ với chúng tôi thông qua thông tin sau:
– Địa chỉ:
+ Trụ sở chính: 1132 Lê Đức Thọ, phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Chi nhánh Phú Nhuận: 529/122 Huỳnh Văn Bánh, Phường 13, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
– Số điện thoại: 094.994.0303, 098.743.1347 hoặc 0376019226.
– Fanpage: Hãng Luật Bạch Tuyết; Hãng Luật Bạch Tuyết – Chi nhánh Phú Nhuận