Đã ký văn bản cam kết tài sản riêng thì có yêu cầu Tòa án chia tài sản này được không?

“Văn bản cam kết tài sản riêng” hiện nay đang trở thành rào cản rất lớn khiến một bên vợ/chồng không được chia tài sản chung khi ly hôn. Theo quy định tại Điều 5 Luật đất đai 2013 thì những đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm “cá nhân người nước ngoài”. Do đó, có thể hiểu, cá nhân nước ngoài không được quyền đứng tên sử dụng đất tại Việt Nam. Hiện nay, có rất nhiều người nước ngoài sau khi kết hôn với người Việt Nam mong muốn được mua đất cất nhà tại Việt Nam để tạo lập cuộc sống hôn nhân ổn định hoặc chỉ đơn giản muốn mua đi bán lại các bất động sản để kiếm thêm thu nhập cho hai vợ chồng. Tuy nhiên, vì những người này không được đứng tên quyền sử dụng đất nên đành lập các “Văn bản cam kết tài sản riêng” tại Phòng công chứng/Văn phòng công chứng, trong đó nêu rõ số tiền dùng để mua bất động sản là tiền riêng của một bên vợ/chồng nên bất động sản cũng là của riêng một bên vợ/chồng (mặc dù thực tế tiền là tiền chung của 02 vợ chồng) để có thể mua được đất.

Vậy, khi một trong các bên muốn ly hôn, bên còn lại mặc dù biết những tài sản đó là tài sản chung nhưng không muốn chia vì người còn lại đã ký “Văn bản cam kết tài sản riêng” có công chứng thì sẽ được xử lý như thế nào? Có được Tòa án xem xét các chứng cứ khác để xác định đó là tài sản chung hay không?

Đã ký văn bản cam kết tài sản riêng, có yêu cầu chia được không?
Đã ký văn bản cam kết tài sản riêng, có yêu cầu chia được không?

1. Phân tích về tính chất của Văn bản cam kết tài sản riêng

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, các bên trước khi đăng ký kết hôn có quyền lựa chọn chế độ “Tài sản theo thỏa thuận” hoặc “Tài sản theo luật định”.

Đối với các trường hợp lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì các bên nam, nữ phải lập thỏa thuận này trước khi đăng ký kết hôn, phải được công chứng hoặc chứng thực và phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận. [Xem chi tiết hơn tại bài viết: Hợp đồng tiền hôn nhân tại Việt Nam]

Trường hợp các bên không lập thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn thì buộc phải chịu sự điều chỉnh của chế độ tài sản theo luật định. Khi đó, tài sản chung, riêng của vợ chồng được xác định như sau:

Theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm:

– Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh;

– Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân;

– Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Theo Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản riêng của vợ, chồng gồm:

– Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;

– Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;

– Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật Hôn nhân và Gia đình;

– Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng;

– Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.

Theo đó, chúng ra phải xem xét tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng theo quy định đã trích dẫn trên đây. Trường hợp không có căn cứ rõ ràng để chứng minh tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của một bên thì tài sản đó được xác định là tài sản chung của vợ chồng (khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Vậy, cam kết tài sản riêng có phải là căn cứ “rõ ràng” và “không cần phải chứng minh” để cho rằng đó là tài sản riêng hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật công chứng 2014: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”

Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Tại đây, có thể thấy, nếu tài sản được cam kết thật sự là tài sản riêng thì ngay cả khi không có cam kết này, tài sản đó vẫn thuộc về riêng một bên vợ/chồng -> nghĩa là không làm phát sinh hay thay đổi quyền sở hữu. Nếu tài sản đó là tài sản chung thì nội dung văn bản này không thể làm chấm dứt quyền sở hữu của một bên vợ/chồng được -> nghĩa là không làm thay đổi hay chấm dứt quyền sở hữu. Do đó xác định, nội dung của văn bản cam kết tài sản riêng không làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của bất kỳ chủ thể nào nên không phải là giao dịch dân sự => không thuộc đối tượng được công chứng theo Luật công chứng.

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 2 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định: “Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực”.

Như vậy, Văn bản cam kết tài sản riêng tuy không thể được công chứng về mặt nội dung nhưng vẫn có thể được chứng thực chữ ký.

2. Nhận định của Tòa án về “Văn bản cam kết tài sản riêng” như thế nào?

Như đã nêu, Văn bản cam kết tài sản riêng chỉ được chứng thực chữ ký nên các bên không cần chứng minh việc các bên có ký vào văn bản này hay không (theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự). Tuy nhiên, vẫn phải xem xét các chứng cứ khác để xác định rõ nội dung cam kết có đúng với sự thật khách quan hay không. Tại đây, nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên yêu cầu Tòa án công nhận tài sản này là tài sản chung để chia.

Trên thực tế, các Tòa án vẫn xem xét chứng cứ do các bên cung cấp nhưng thường lại đánh giá các chứng cứ này “chưa đủ mạnh” để bác bỏ được Văn bản cam kết trước đó. Vậy có thể hiểu, Văn bản cam kết tài sản riêng này vẫn là chứng cứ rất vững để xác định tài sản này là tài sản riêng của một bên. Tuy nhiên, dù vững nhưng vẫn có thể bác bỏ nội dung của Văn bản cam kết tài sản riêng này nếu có đủ chứng cứ chứng minh tài sản này là tài sản chung. Do đó, khi quyết định ký vào “Văn bản cam kết tài sản riêng” thì các bên cần lưu ý ghi lại các chứng cứ để chứng minh tài sản này là tài sản chung phòng trường hợp có tranh chấp trong tương lai.

Tóm lại: Câu trả lời là “Khi một bên đã ký vào văn bản cam kết tài sản riêng thì vẫn có quyền yêu cầu Tòa án công nhận tài sản này là tài sản chung và tiến hành chia tài sản chung này. Tuy nhiên, để Tòa án chấp nhận yêu cầu, đương sự phải có đầy đủ chứng cứ để chứng minh tài sản đó là tài sản chung”

Trên đây là bài viết liên quan đến chủ đề “Đã ký văn bản cam kết tài sản riêng thì có yêu cầu Tòa án chia tài sản này được không?” của Hãng Luật Bạch Tuyết. Mọi thắc mắc của Quý khách hàng, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan: 

Vợ hoặc chồng cản trở quyền thăm con thì nên làm gì?

Có bắt buộc nhập hộ khẩu vào nhà chồng hay không?

Number of views: 1889

Leave a Reply

Your email address will not be published.