Các hình thức đầu tư tại Việt Nam theo Luật Đầu tư 2020

Các hình thức đầu tư tại việt nam theo luật đầu tư 2020

1. Các hình thức đầu tư tại Việt Nam

Điều 21 Luật Đầu tư năm 2020 quy định có 5 hình thức đầu tư tại Việt Nam, bao gồm:

1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.

2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

3. Thực hiện dự án đầu tư.

4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

2. Hình thức đầu tư “Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế”

Khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định: Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020, Nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:

2.1. Đối với Nhà đầu tư trong nước

Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

Cụ thể chuẩn bị một bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại địa chỉ https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn/

Ví dụ:

+ Công ty TNHH MTV: Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

+ Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần: Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

2.2. Đối với Nhà đầu tư nước ngoài

  • Bước 1: Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài trước tiên phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

  • Bước 2: Thành lập tổ chức kinh tế

Tương tự như việc thành lập tổ chức kinh tế đối với Nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên cần lưu ý:

  • Đối với việc đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường (bao gồm Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường – Tại Mục A Phụ lục 1 kèm theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về 25 ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường; và Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện – Tại Mục B Phụ lục 1 kèm theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về 59 ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện) thì Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
  • Nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư trong các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường theo quy định tại Mục A Phụ lục I của Nghị định này.
Các hình thức đầu tư tại việt nam theo luật đầu tư 2020
Các hình thức đầu tư tại việt nam theo luật đầu tư 2020

3. Hình thức đầu tư “Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp”

Điều 24 Luật Đầu tư 2020 quy định Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

3.1. Đối với hình thức góp vốn

Khoản 1 Điều 25 Luật Đầu tư 2020 quy định Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

a) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;

b) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;

c) Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này. (Ví dụ như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,..)

3.2. Đối với hình thức mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế

Khoản 2 Điều 25 Luật Đầu tư 2020 quy định Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

a) Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;

b) Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;

c) Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;

d) Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

4. Hình thức đầu tư “Thực hiện dự án đầu tư”

Để thực hiện dự án đầu tư (tùy từng trường hợp thuộc diện phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc không thuộc diện phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư), nhà nước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án.

Việc Lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây (Điều 29 Luật Đầu tư 2020):

4.1. Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai

– Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua;

– Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê;

– Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng;

– Sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;

– Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích

để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;

– Giao đất, cho thuê đất đối với đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý

trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản

gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước;

– Giao đất ở tại đô thị, nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân;

– Giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

4.2. Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu

– Thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng khu đô thị; xây dựng công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng gồm: nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ.

– Thực hiện dự án không thuộc trường hợp nêu trên nhưng phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.

4.3. Chấp thuận nhà đầu tư

Chấp thuận nhà đầu tư trong các trường hợp sau đây:

– Đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhưng chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia hoặc đã tổ chức đấu giá ít nhất 02 lần không thành theo quy định của pháp luật về đất đai;

– Đã đăng tải Danh mục dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu nhưng chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm hoặc nhiều nhà đầu tư đăng ký nhưng chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức đấu giá, đấu thầu có trách nhiệm xem xét việc đáp ứng các điều kiện quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP và có văn bản thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư (nếu có) để thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 30 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP

Lưu ý: Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại điểm a và điểm b được thực hiện sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.

5. Hình thức đầu tư “Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC”

5.1. Định nghĩa

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế (khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020)

5.2. Các loại Hợp đồng BCC

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 27 Luật Đầu tư 2020 có những loại sau:

  • Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
  • Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật này.

Lưu ý: Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

5.3. Hợp đồng BCC gồm những nội dung gì?

Hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;

c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;

g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

Trên đây là bài viết của Hãng Luật Bạch Tuyết về “Các hình thức đầu tư tại Việt Nam theo Luật Đầu tư 2020” . Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Hãng Luật Bạch Tuyết theo thông tin sau đây để được tư vấn và sử dụng dịch vụ của chúng tôi:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết liên quan:

Number of views: 355

Leave a Reply

Your email address will not be published.