Thứ tự ưu tiên thanh toán đối với di sản thừa kế

Thứ tự ưu tiên thanh toán đối với di sản

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Theo quy định tại Điều 615 BLDS 2015 thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, trường hợp di sản của người chết để lại không đủ để thực hiện các nghĩa vụ tài sản thì giải quyết như thế nào? Thứ tự ưu tiên thanh toán đối với di sản thừa kế ra sao?  Bài viết hôm nay của Hãng Luật Bạch Tuyết sẽ cung cấp tới Quý bạn đọc câu trả lời đối với câu hỏi nêu trên.

Theo quy định tại Điều 658 BLDS 2015 thì thứ tự ưu tiên thanh toán đối với di sản có thể được tóm tắt theo hình ảnh dưới đây:

Thứ tự ưu tiên thanh toán đối với di sản
Thứ tự ưu tiên thanh toán đối với di sản

1.Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng

Lẽ dĩ nhiên, khi một người qua đời thì công việc ưu tiên không phải và cũng không nên là phân chia di sản mà phải là việc mai táng cho người đã mất. Và do đó, chi phí cho việc mai táng phải ở vị trí ưu tiên nhất trong việc thanh toán đối với di sản thừa kế. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay quy định chi phí cho việc mai táng này phải theo tập quán và phải hợp lý.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn tại mục 2.2. Phần II thì “chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hoả táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ.” Như vậy, không phải chi phí nào cho việc mai táng cũng được tính ưu tiên trong việc thanh toán di sản thừa kế.

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu

Trường hợp người chết có nghĩa vụ cấp dưỡng thì tiền cấp dưỡng còn thiếu sẽ là ưu tiên thanh toán đối với di sản thừa kế sau chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.

Chẳng hạn: Người chết có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người khác theo bản án, quyết định của Tòa án.

3. Chi phí cho việc bảo quản di sản

Sau chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng và tiền cấp dưỡng còn thiếu thì chi phí cho việc bảo quản di sản sẽ được ưu tiên thanh toán đối với di sản thừa kế. Chi phí cho việc bảo quản di sản. Đây là chi phí quan trọng, cần thiết để bảo đảm cho di sản tránh khỏi hư hỏng, mất mát dẫn tới không còn giá trị để phân chia di sản cũng như là việc thanh toán cho các chi phí khác. Chi phí cho việc bảo quản di sản này là khoản tiền cần thiết phải chi trả cho việc quản lý, bảo dưỡng, tu sửa hư hỏng tự nhiên, chăm sóc súc vật, nông sản,…

4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ

Những người sống nương nhờ thường là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chẳng hạn người già neo đơn, tàn tật, không có khả năng lao động,…Họ là những người sống nương nhờ người để lại di sản, khi người này chết họ sẽ lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn để duy trì cuộc sống. Vì vậy, để đảm bảo cho cuộc sống của họ phần nào bớt khó khăn thì khi thanh toán di sản thừa kế sẽ trích một phần cho họ.

5. Tiền công lao động

Tiền công lao động là loại nghĩa vụ về tài sản mà người chết với vai trò người sử dụng lao động phải trả cho người lao động. Tuy nhiên, khi chưa chi trả cho người lao động thì người sử dụng lao động đã bị chết, để đảm bảo cuộc sống của người lao động thì tiền công lao động sẽ được trích khi thanh toán đối với di sản.

6. Tiền bồi thường thiệt hại

Bồi thường thiệt hại là một trong những chi phí phải thanh toán nếu người chết chưa thực hiện xong. Tuy nhiên, thứ tự ưu tiên thanh toán của khoản tiền bồi thường thiệt hại này sau rất nhiều các khoản tiền nêu trên đây.

Ví dụ: Ông A gây thiệt hại tài sản cho anh B, sau đó ông A chết khi chưa hoàn thành việc bồi thường thiệt hại cho tài sản của B. Lúc này, di sản của A sau khi trừ các khoản ưu tiên trên như chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng còn thiếu, chi phí cho việc quản lý di sản,…mà vẫn còn thì lúc này di sản sẽ được sử dụng để bồi thường thiệt hại tài sản cho anh B.

7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.

Khi người chết để lại di sản mà di sản này sau khi sử dụng để thanh toán các khoản khác nêu trên đây mà vẫn còn và người chết vẫn còn nghĩa vụ thuế hay nghĩa vụ khác phải thực hiện vào ngân sách nhà nước (trừ tiền phạt) thì lúc này di sản sẽ được sử dụng để nộp thuế hay các khoản khác vào ngân sách nhà nước.

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.

Ở vị trí gần cuối cùng, các khoản nợ đối với cá nhân, pháp nhân sẽ không được quá ưu tiên trong việc thanh toán đối với di sản thừa kế. Điều này là bởi các khoản phải thanh toán khác luôn có các lí do mà Nhà nước hướng đến (như lí do nhân đạo đối với chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng còn thiếu; lý do thiết yếu đối với việc bảo quản di sản,…) để sắp xếp thứ tự ưu tiên.

9. Tiền phạt

Tiền phạt là nghĩa vụ đặc biệt của chủ thể vi phạm đối với nhà nước, đó là một hình thức xử phạt, một trong các chế tài mà chủ thể phải chịu do hành vi trái pháp luật của mình. Trong thứ tự ưu tiên thanh toán đối với thì tiền phạt đứng ở vị trí gần cuối, sau khi hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền khác mà di sản vẫn còn thì lúc này mới tính đến việc nộp tiền phạt. Điều này cũng là hợp lý bởi một trong các mục đích chính của tiền phạt là để răn đe, giáo dục tránh trường hợp người vi phạm tái phạm, tuy nhiên trường hợp người vi phạm đã chết thì việc răn đe, giáo dục này mất đi phần nào ý nghĩa đối với người vi phạm, do đó thứ tư ưu tiên thanh toán đối với tiền phạt sẽ không cao bằng các khoản tiền khác nêu trên đây.

10. Chi phí khác

Đây là nhóm các chi phí không rơi vào các trường hợp nêu trên đây, thứ tự ưu tiên của nhóm chi phí này là thấp nhất. Có thể kể đến đó là các chi phí phục vụ cho việc mai táng nhưng ở mức độ không hợp lý hay các chi phí phục vụ cho việc kê khai, phân chia di sản.

Tóm lại, theo thứ tự ưu tiên thanh toán nêu trên thì di sản sẽ sử dụng để thanh toán cho từng nghĩa vụ một, từ mức độ ưu tiên cao nhất đến mức độ ưu tiên thấp nhất. Chỉ trong trường hợp nghĩa vụ thanh toán có mức độ ưu tiên cao hơn đã thực hiện xong hoàn toàn mà di sản vẫn còn thì mới thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thấp hơn.

Trường hợp di sản đã hết trước khi hoàn thành xong toàn bộ các nghĩa vụ thanh toán hoặc vừa đủ để hoàn tất các nghĩa vụ tài sản của người đã chết thì sẽ không phát sinh việc nhận di sản của những người thừa kế.

Trên đây là bài viết của Hãng Luật Bạch Tuyết về “Thứ tự ưu tiên thanh toán đối với di sản thừa kế”, nếu còn bất cứ thắc mắc nào hãy liên hệ với Hãng Luật Bạch Tuyết theo thông tin sau đây:

Số điện thoại: 094.994.0303

Email: luatbachtuyet@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/Hangluatbachtuyet/

Địa chỉ trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan

Điều kiện có hiệu lực của di chúc

Thừa kế di sản dù không có tên trong di chúc?

Người quản lý di sản thừa kế là ai?

Di chúc và một số lưu ý

Thủ tục lập di chúc tại văn phòng công chứng

Number of views: 220

Leave a Reply

Your email address will not be published.