Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Tuy nhiên, di sản thừa kế có hoàn toàn được phân chia theo nội dung di chúc không? Để tạo sự công bằng và duy trì đạo đức xã hội, pháp luật quy định quyền lợi của một số đối tượng vẫn được thừa kế di sản dù không có tên trong di chúc. Hãy cùng Hãng Luật Bạch Tuyết tìm hiểu xem người nào vẫn được thừa kế di sản dù không có tên trong di chúc.
Mục lục bài viết
1. Đối tượng vẫn được thừa kế di sản dù không có tên trong di chúc
Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, bao gồm:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Sở dĩ pháp luật vẫn ưu tiên cho những đối tượng trên được hưởng di sản dù không có tên trong di chúc là vì giữa người để lại di sản với những người này có quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng. Đây là những mối quan hệ gắn bó mật thiết và mang tính đạo đức cao. Do đó, mặc dù pháp luật giành quyền lợi cho những đối tượng này, nhưng nếu những đối tượng này từ chối nhận di sản hoặc là thuộc trường hợp không được hưởng di sản thì sẽ không chia di sản cho họ và tuân theo nội dung di chúc nếu di chúc có hiệu lực pháp luật.
2. Cần làm gì để từ chối nhận di sản
Điều 620 Bộ luật Dân sự cho phép người được thừa kế di sản dù không có tên trong di chúc có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Tuy nhiên, người được thừa kế di sản dù không có tên trong di chúc không phải chỉ từ chối bằng lời nói để thể hiện mình không muốn nhận di sản, người từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết trước thời điểm phân chia di sản.
3. Những người không được quyền hưởng di sản
Khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người được thừa kế di sản dù không có tên trong di chúc sẽ không được quyền hưởng di sản:
1) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
2) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
3) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
4) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Những đối tượng trên đã vi phạm tinh thần đạo đức, quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản nên pháp luật đã tước bỏ quyền lợi mà pháp luật đã ưu tiên. Tuy nhiên, pháp luật vẫn rất tôn trọng di nguyện của người để lại di chúc, nên pháp luật cho phép những người này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Trên đây là tư vấn của Hãng luật Bạch Tuyết về chủ đề “Người nào được thừa kế di sản dù không có tên trong di chúc?”, Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết,
- Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
- Website: https://hangluatbachtuyet.com/
2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết – Chi nhánh Phú Nhuận
- Số điện thoại: 0376019226
Bài viết liên quan: