Đây có lẽ là câu hỏi được nhiều người quan tâm, khi mà trên thực tế rất nhiều trường hợp cha mẹ cho vợ chồng con xây dựng nhà trên đất để ở, tuy nhiên vì nhiều lý do mà không thực hiện việc đăng ký biến động đất đai, và rồi khi vợ chồng con ly hôn thì phát sinh tranh chấp. Để xác định liệu bố mẹ có đòi được đất khi vợ chồng con ly hôn hay không thì cần xác định thực tế liệu rằng giữa bố mẹ và vợ chồng con có tồn tại việc tặng cho Quyền sử dụng đất hay chưa.
Câu hỏi này đã phần nào được giải đáp bởi nội dung của án lệ số 03/2016/AL, được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Nội dung của án lệ như sau:
“Theo xác minh tại Ủy ban nhân dân xã Vân Tảo thì năm 2001 xã tổ chức cho các hộ dân trong xã Vân Tảo đăng ký kê khai để xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và các hộ kê khai tại trụ sở thôn xóm (BL 103). Tất cả các hộ dân trong xã đều được biết về chủ trương kê khai đất này. Ông Phác là chủ đất nhưng không đi kê khai. Anh Nam đang ở trên đất và là người đi kê khai làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Ngày 21-12-2001 anh Nam được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U060645 đứng tên hộ ông Phạm Gia Nam. Vợ chồng anh chị đã xây nhà 2 tầng kiên cố vào năm 2002 và đến năm 2005 thì xây thêm tum tầng 3. Ông Phác và các anh chị em trong gia đình anh Nam đều biết việc xây dựng trên của vợ chồng anh Nam chị Hồng, nhưng cũng không ai có ý kiến gì. Như vậy, từ khi được cấp giấy chứng nhận (2001) cho đến khi có việc ly hôn của anh Nam, chị Hồng (2009), gia đình ông Phác cũng không ai có khiếu nại gì về việc cấp đất, xây nhà này. Điều đó thể hiện ý chí của gia đình ông Phác là đã cho anh Nam và chị Hồng diện tích đất nêu trên. Do đó, việc ông Phác và anh Nam khai rằng anh Nam tự ý kê khai giấy tờ đất, ông Phác không biết là không có cơ sở chấp nhận. Như vậy, có căn cứ xác định lời khai của chị Hồng về việc gia đình ông Phác đã cho anh chị diện tích đất trên, là có cơ sở.
Do đó, việc Tòa án các cấp nhận định rằng anh Nam đi làm giấy tờ đất ông Phác không biết và việc chị Hồng khai gia đình chồng đã cho vợ chồng nhưng không có chứng cứ chứng minh, để xác định diện tích đất 80m2 tại thôn Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội là tài sản thuộc hộ gia đình ông Phạm Gia Phác; đồng thời buộc anh Nam, chị Hồng trả lại đất cho gia đình ông Phác, là không đúng, cần phải xác định diện tích đất tranh chấp trên là tài sản chung của vợ chồng anh Nam, chị Hồng và khi chia phải coi anh Nam có công sức đóng góp nhiều hơn để chia theo công sức của mỗi bên và cần phải căn cứ vào nhu cầu về chỗ ở để chia hiện vật cho các bên nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.”
Mục lục bài viết
Như vậy, từ nội dung trên của án lệ, sẽ có những trường hợp sau xảy ra khi cha mẹ cho vợ chồng con xây nhà trên đất và vợ chồng con sau đó ly hôn:
- Trường hợp: (i) Cha mẹ đã giao cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng nhà kiên cố trên đất để làm nơi ở, (ii) Khi vợ chồng con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; (iii) Vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai ổn định và (iv) đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất.
Trong trường hợp này, khi vợ chồng người con ly hôn thì bố mẹ không thể đòi lại được đất. Bởi lẽ, đã có sự kiện tặng cho đất giữa cha mẹ và vợ chồng người con. Thứ nhất, việc xây dựng nhà cửa kiên cố để ở thể hiện nguyện vọng, ý muốn sinh sống lâu dài của những người con và thái độ tự tin để xây dựng nhà cửa trên đất của mình – cách hành xử với tư cách chủ sử dụng đất ; Tiếp theo đó, việc xây dựng của vợ chồng người con không bị sự phản đối của bố mẹ và những người trong gia đình thể hiện thái độ chấp nhận việc chiếm hữu, quản lý, sử dụng đất của những người con – đây cũng là tình tiết quan trọng để chấp nhận sự việc tặng cho quyền sử dụng đất của cha mẹ với con trên thực tế.
- Trường hợp: thiếu vắng một trong các tình tiết nêu trên đây, chẳng hạn vợ chồng người con chỉ xây dựng nhà ở tạm bợ hoặc cha mẹ phản đối việc vợ chồng người con xây dựng nhà kiên cố trên đất thì rõ ràng trong các trường hợp này ý chí của cha mẹ chưa thể hiện rằng việc giao đất cho con sử dụng là việc tặng cho, tức chưa chấp nhận cho vợ chồng con được quyền định đoạt, sử dụng – thông qua việc xây dựng nhà ở kiên cố để ở lâu dài. Do đó, trường hợp này được xem là chưa có sự việc tặng cho quyền sử dụng đất trên thực tế, do đó nếu vợ chồng người con ly hôn thì cha mẹ có thể đòi lại được đất.
Trên đây là tư vấn của Hãng luật Bạch Tuyết về chủ đề “Cho vợ chồng con xây nhà trên đất, sau khi li hôn bố mẹ có đòi lại đất được không?”. Câu trả lời dựa trên nội dung của Án lệ số 03/2016/AL. Tuy nhiên, trên thực tế hướng giải quyết trong từng trường hợp sẽ khác nhau, phụ thuộc vào những tình tiết của vụ việc. Do vậy, Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết,
- Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
- Website: https://hangluatbachtuyet.com/
2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết – Chi nhánh Phú Nhuận
- Số điện thoại: 0376019226
Các bài viết liên quan:
CÁ NHÂN CÓ QUYỀN ĐƯỢC NHẬN THẾ CHẤP NHÀ ĐẤT HAY KHÔNG?
Con nuôi được thừa kế di sản của cha mẹ nuôi không?
Con riêng có được thừa hưởng di sản của cha dượng, mẹ kế hay không?