Giữa vợ, chồng tồn tại hai hình thức sở hữu tài sản là tài sản chung và tài sản riêng. Việc xác định đâu là tài sản chung, riêng có ỹ nghĩa rất quan trọng trong việc xác định quyền, nghĩa vụ của mỗi bên khi xác lập các giao dịch đối với tài sản chung, riêng; hiệu lực của hợp đồng đó; phân chia tài sản khi ly hôn,…Vậy tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng sẽ được xác định như thế nào?
Mục lục bài viết
1.Tài sản chung của vợ chồng
Theo Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, tài chung của vợ chồng bao gồm:
Thứ nhất, tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân
Thời kỳ hôn nhân được tính từ khi vợ chồng đăng ký kết hôn đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án về việc chấm dứt quan hệ vợ chồng hoặc khi vợ hoặc chồng chết.Tài sản do vợ, chồng tạo lập có thể là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, góp vốn hoặc các thu nhập khác.
Điều 9 Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì các khoản tiền thưởng, tiền trúng xổ số, tiền trợ cấp, tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc,… được xem là thu nhập hợp pháp của vợ chồng.
Thứ hai, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân
Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của vợ, chồng.
Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng.
Ví dụ như: vợ có tài sản riêng là một căn nhà, căn nhà này được cho thuê thì tiền thuê nhà trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung.
Thứ ba, tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung, thừa kế chung
Nhận tặng cho, nhận thừa kế là căn cứ xác lập quyền sở hữu. Khi người tặng cho tặng, cho chung vợ và chồng, người để lại di sản để lại di sản cho chung vợ và chồng thì đương nhiên tài sản này thuộc tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, trên thực tế khi để lại di sản, tặng cho lại gặp phát sinh rắc rối pháp lý, tranh chấp do hợp đồng không rõ ràng, điều kiện hình thức của giao dịch không đảm bảo,… dẫn đến không thực hiện đúng ý chí của người để lại di sản, người tặng cho. Nếu muốn biết rõ hơn quy định pháp luật về vấn đề này hoặc cần hỗ trợ để giao dịch thừa kế, tặng cho được thực hiện đúng quy định pháp luật và ý chí của người xác lập hãy liên hệ với Hãng Luật Bạch Tuyết, chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn.
Thứ tư, tài sản do vợ chồng thỏa thuận là tài chung
Việc xác định tài sản chung, riêng nhằm mục đích xác định quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản đó. Nếu như cả vợ, chồng đều đồng ý là tài sản chung thì đây được coi là tài sản chung.
Thứ năm, những tài sản mà vợ, chồng cho rằng là tài sản riêng nhưng không có chứng cứ chứng minh là tài sản riêng
Nếu muốn xác định một tài sản là tài sản riêng, bên cho rằng là tài sản riêng phải chứng minh được nó là tài sản riêng. Đó có thể là thời điểm xác lập quyền sở hữu với tài sản, nguồn gốc hình thành, thỏa thuận tài sản riêng,… Và đương nhiên khi không chứng minh được, thì theo Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình 2014 đây là tài sản chung.
2. Tài sản riêng của vợ, chồng
Theo quy định Điều 43 Luật hôn nhân gia đình 2014 tài sản riêng của vợ, chồng gồm:
Thứ nhất, tài sản vợ, chồng có trước khi kết hôn
Căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với những tài sản này là thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh, góp vốn được tặng cho hoặc các căn cứ xác lập quyền sở hữu khác theo quy định pháp luật. Thời điểm xác lập quyền sở hữu là căn cứ để xác định là tài sản riêng trong trường hợp này. Do đó để chứng minh là tài sản riêng vợ, chồng phải có căn cứ chứng minh có tài sản trước khi kết hôn. Đối với những tài sản phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu như nhà, đất, xe, phân vốn góp… thì việc chứng minh khá dễ dàng. Đối với những tài sản không có đăng ký quyền sử hữu khác như nữ trang, thiết bị điện tử,…có thể dùng các chứng từ thanh toán, hợp đồng mua bán… để chứng minh hoặc xác nhận của bên còn lại về nguồn gốc của tài sản này.
Lưu ý thêm, các tài sản trên phải chưa được nhập vào tài sản chung.
Thứ hai, tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân
Trong trường hợp này, việc xác định có là tài sản riêng hay không, dựa trên ý chí của người để lại di sản, người tặng cho hoặc theo quy định của Bộ luật dân sự. Rất nhiều trường hợp trong thực tế, cha mẹ tặng cho con tài sản nhưng không thể hiện rõ là tặng cho cả vợ chồng hay tặng cho riêng dẫn đến tranh chấp khi tiến hành ly hôn. Do đó, để đảm bảo việc thừa kế, tặng cho được đúng như quy định pháp luật về thừa kế và ý chí của người để lại di sản, người tặng cho, việc lập di chúc, hợp đồng tặng cho bằng văn bản có công chứng, chứng thực là rất cần thiết. Hãng Luật Bạch Tuyết luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng thực hiện vấn đề này.
Thứ ba, tài sản được chia riêng cho vợ, chồng khi vợ chồng chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có thể thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung. Tài sản sau khi chia sẽ thuộc sở hữu riêng của mỗi bên. Từ sau thời điểm chia, bên còn lại không còn quyền, nghĩa vụ đối với giao dịch phát sinh từ tài sản riêng đã chia.
Tuy nhiên, việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân phải đảm bảo lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình và không nhằm trốn tránh nghĩa vụ.
Thứ tư, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng sau khi chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân
Sau khi phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, tài sản được phân chia đã tách bạch về quyền sở hữu của vợ, chồng trong đó. Theo đó, hoa lợi, lợi tức được phát sinh từ tài sản riêng này sẽ thuộc về bên sở hữu tương ứng.
Thứ năm, tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng
Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có giải thích nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình. Luật không có quy định xác định tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu là gì. Mỗi gia đình có mỗi mức sống khác nhau thì với họ khái niệm thiết yếu cũng khác nhau. Do đó, việc xác định có phải là tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng sẽ do Tòa án xác định dựa trên hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng gia đình khi phát sinh tranh chấp.
Thứ sáu, tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng
Căn cứ để xác định tài sản riêng trong trường hợp này là nguồn gốc của tài sản. Ví dụ như tiền mua tài sản là tiền một bên được tặng cho riêng, tiền có được từ trước khi kết hôn, tiền có được từ bán tài sản riêng,…
Khi có tranh chấp về xác định tài sản chung, riêng nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên cho rằng là tài sản riêng của mình.Trên thực tế, việc chứng minh nguồn gốc tài sản không hẳn đã dễ dàng, nếu không chứng minh được thì tài sản này là tài sản chung. Pháp luật vẫn đặt quyền tự do ý chí, tự do thỏa thuận của vợ chồng ở vị trí cao nhất và được tôn trọng nhất. Vậy nên, để rõ ràng và minh bạch các bên có thể lập các thỏa thuận về tài sảnđể xác định rõ tài sản chung, riêng.
Thứ bảy, tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng
Một số tài sản khác mà theo quy định pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng có thể kể đến là:
- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ;
- Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác;
- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
- Quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Trên đây là chia sẻ của Hãng Luật Bạch Tuyết về cách xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng. Hy vọng những gì chúng tôi cung cấp sẽ giúp cho quý khách hiểu được phần nào quy định của pháp luật về vấn đề trên. Nếu còn vướng mắc gì hoặc cần sử dụng dịch vụ của chúng tôi xin hãy liên hệ theo thông tin sau đây:
1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết,
- Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
- Website: https://hangluatbachtuyet.com/
2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết – Chi nhánh Phú Nhuận
- Số điện thoại: 0376019226
Xin chân thành cảm ơn!