Trách nhiệm đối với nghi phạm bắt cóc bé gái 2 tuổi tại Hà Nội

Trách nhiệm đối với nghi phạm bắt cóc bé gái 2 tuổi tại hà nội

Bắt cóc bé gái 2 tuổi tại Hà Nội – đây là nội dung tìm kiếm gây sốt mạng xã hội trong những ngày gần đây. Cháu bé chỉ mới 21 tháng tuổi được trình báo đã bị bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản bởi Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, trú huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) – người từng là giúp việc cho gia đình cháu gái, sau khi nghỉ việc, người nhà vẫn thuê người phụ nữ này đưa đón cháu bé đi nhà trẻ.

Qua xác minh và xác định Giáp Thị Huyền Trang có dấu hiệu tội phạm và là người thực hiện hành vi phạm tội, Công an Thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, còn Công an tỉnh Hưng Yên ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trang về hành vi “Giết người”.

Tuy nhiên, sau khi các quyết định tố tụng được ban hành, đến nay cơ quan chức năng xác định nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang đã tự sát.

Trước những thông tin trên, dư luật đặt ra dấu chấm hỏi liệu trách nhiệm đối với nghi phạm đã chết và vụ án sẽ được tiến hành xử lý như thế nào?

1. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và làm chết người

Theo thông tin được ghi nhận, Giáp Thị Huyền Trang đã bắt cóc bé gái và yêu cầu gia đình cháu bé tiền chuộc 1,5 tỷ đồng. Trên đường đi, bé gái bị mệt, quấy khóc nhiều nên Giáp Thị Huyền Trang sợ lộ, Giáp Thị Huyền Trang ra tay sát hại nạn nhân để xóa dấu vết và bịt đầu mối.

Sát hại nạn nhân xong, Giáp Thị Huyền Trang tiếp tục đòi tiền chuộc, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Gia đình cháu đã nhiều lần chuyển tiền cho Giáp Thị Huyền Trang, với tổng số tiền 550 triệu đồng. Sau đó, biết không thể trốn thoát và sẽ phải đương đầu với mức án cao nhất, Giáp Thị Huyền Trang đã tự sát.

1.1. Đối với hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

Theo quy định tại khoản 4 Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên và làm chết người thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

1.2. Đối với hành vi làm bé gái chết

Nếu trong quá trình bắt cóc nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang với lỗi vô ý làm bé gái chết thì được xem xét áp dụng khung hình phạt tăng nặng tại điểm b khoản 4 Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ngược lại, nếu nghi phạm Trang có hành vi giết người với lỗi cố ý thì ngoài việc bị truy cứu Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Căn cứ theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, người giết người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trách nhiệm đối với nghi phạm bắt cóc bé gái 2 tuổi tại hà nội
Trách nhiệm đối với nghi phạm bắt cóc bé gái 2 tuổi tại hà nội

2. Nghi phạm đã chết thì có truy cứu trách nhiệm hình sự?

Thông tin nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang đã chết thì vụ án sẽ không được khởi tố theo khoản 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Tuy nhiên, cần phải xác định không còn đồng phạm nào khác, nếu còn đồng phạm bao gồm người tổ chức, xúi giục, giúp sức thì vụ án vẫn sẽ được điều tra, khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong vụ việc này, như đã thông tin thì Cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố vụ án nên Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can theo quy định tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Như vậy, trường hợp nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang đã chết thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang. Tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiếp tục điều tra xem có đối tượng đồng phạm với nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang hay không để tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Nghi phạm đã chết thì có truy cứu trách nhiệm dân sự?

Nếu người vi phạm đã chết, vụ án hình sự có thể bị đình chỉ điều tra và không khởi tố. Tuy nhiên, theo Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015, những người hưởng thừa kế của họ vẫn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong phạm vi tài sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3.1. Bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Gia đình cháu gái đã gửi cho nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang tổng số tiền 550 triệu đồng. Đây là thiệt hại về tài sản mà những người hưởng thừa kế của Giáp Thị Huyền Trang sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu gái theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015.

3.2. Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

  • Bồi thường thiệt hại về vật chất

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:

– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này. Tuy nhiên, trường hợp bé gái đã chết trước khi được phát hiện nên không phát sinh chi phí cứu chữa trước khi chết.

– Chi phí hợp lý cho việc mai táng đối với các khoản tiền: mua quan tài; chi phí hỏa táng, chôn cất; các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo phong tục, tập quán địa phương.

Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ.

– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Trường hợp này cháu gái chỉ mới gần 2 tuổi nên không phát sinh thiệt hại đối với nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết.

– Thiệt hại khác do luật quy định.

  • Bồi thường thiệt hại về tinh thần

Bên cạnh những khoản bồi thường thiệt hại về mặt vật chất như đã nêu, những người hưởng thừa kế của Giáp Thị Huyền Trang sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cháu gái đã chết.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Hiện nay, từ ngày 01/7/2023 thì mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức bồi thường về tinh thần tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 180 triệu đồng.

Trên đây là những vấn đề pháp lý xoay quanh vấn đề bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và làm chết người. Những số tiền bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần không thể nào bù đắp được nỗi đau của những người làm cha, làm mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng và niềm hy vọng về tương lai của gia đình và của những người thân yêu xung quanh.

Gần đây vụ việc bắt cóc đặc biệt là bắt cóc trẻ em càng xảy ra với số lượng càng nhiều, đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh phải quan tâm và theo sát con nhỏ. Tránh những sự việc thương tâm có thể xảy ra và gây ra hối tiếc, đau khổ cả đời người.

Nếu có vấn đề gì cần được tư vấn liên quan đến chủ đề “Trách nhiệm đối với nghi phạm bắt cóc bé gái 2 tuổi tại Hà Nội” hoặc các vấn đề khác, Quý khách có thể liên hệ với Hãng Luật Bạch Tuyết theo thông tin sau:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan:

Number of views: 155

Leave a Reply

Your email address will not be published.