Thời hạn giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án

Thời hạn giải quyết vụ án

Khi tiến hành khởi kiện tại Tòa án, nhiều người rất quan tâm đến thời hạn Tòa án giải quyết vụ án, thời hạn này ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình giải quyết vụ án và khả năng thi hành án. Tại mỗi cấp xét xử, thời hạn giải quyết vụ án sẽ khác nhau. Sau đây cùng tìm hiểu các thời hạn giải quyết vụ án tại các cấp xét xử để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thời hạn giải quyết vụ án
Thời hạn giải quyết vụ án dân sự

1. Thời hạn giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm

1.1. Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 (những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án) và Điều 28 (những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án) của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 (những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án) và Điều 32 (những tranh chấp về lao động và tranh chấp liên quan đến lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án) của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Tuy nhiên, đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án quy định tại Điều 26, Điều 28 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và không quá 01 tháng đối với vụ án quy định tại Điều 30, Điều 32 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

1.2. Thời hạn đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm

Về nguyên tắc, trong thời hạn chuẩn bị xét xử đến khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tiếp theo, trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng (khoản 4 Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

2. Thời hạn giải quyết vụ án dân sự phúc thẩm

2.1. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm

Điều 286 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Như vậy có thể hiểu, Tòa án có thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án (ngoại trừ vụ án xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài).

Tuy nhiên, đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng. Cần lưu ý đối với trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2.2. Thời hạn đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm

Như đã trình bày ở trên thì trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm (trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng).

3. Thực trạng và giải pháp khi quá thời hạn giải quyết vụ án

Mặc dù đã có quy định rõ ràng về thời hạn giải quyết vụ án theo các cấp xét xử, nhưng thực tế, nhiều vụ án kéo dài hằng năm mà chưa được giải quyết. Việc kéo dài thời hạn giải quyết vụ án xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: nhiều vụ án chất chồng gây tình trạng chậm trễ của Tòa án, vụ án có quá nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh, các đương sự gây khó khăn trong việc thẩm định, xem xét tại chỗ,…

Khi vụ án đã kéo dài hơn so với thời hạn giải quyết vụ án đã được quy định, đương sự có thể thực hiện các biện pháp sau đây để thúc đẩy tiến độ giải quyết vụ án:

Thứ nhất, làm Đơn yêu cầu đưa vụ án ra xét xử. Trong trường hợp đã quá thời hạn giải quyết vụ án, đương sự có thể làm Đơn yêu cầu đưa vụ án ra xét xử gửi đến Chánh án Tòa án nhân dân nơi thụ lý vụ án đề nghị xem xét và yêu cầu Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử. Đồng thời, xem xét xử lý trách nhiệm của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án do vi phạm quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định pháp luật.

Thứ hai, làm Đơn khiếu nại về việc chậm đưa vụ án ra giải quyết. Theo quy định tại Điều 499 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo đó, hành vi không đưa vụ án ra giải quyết (quá thời hạn giải quyết vụ án) của Thẩm phán đã vi phạm thời hạn giải quyết vụ án được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Do đó, đương sự có quyền làm Đơn khiếu nại về việc chậm đưa vụ án ra giải quyết của Thẩm phán đến Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, cần lưu ý về thời hiệu khiếu nại và hình thức khiếu nại phù hợp với quy định pháp luật.

Thứ ba, làm Đơn tố cáo. Theo quy định tại Điều 509 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Do đó, hành vi chậm trễ giải quyết vụ án gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của mình thì hoàn toàn có thể làm Đơn tố cáo Thẩm phán về hành vi chậm thời hạn đưa vụ án ra xét xử (quá thời hạn giải quyết vụ án) gửi đến Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án dân sự.

          Trên đây là tư vấn của Hãng luật Bạch Tuyết về chủ đề “Thời hạn giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án”, Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan:

Number of views: 520

Leave a Reply

Your email address will not be published.