Trong thực tế chúng ta thường hay nghe đến cụm từ “Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ”. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về khái niệm, điều kiện và trình tự thủ tục để thực hiện biện pháp này theo đúng quy định pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì phong toả tài sản của người có nghĩa vụ là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Toà án áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được cũng như đảm bảo thi hành án.
Vậy điều kiện, trình tự thủ tục để áp dụng biện pháp phong toả tài sản của người có nghĩa vụ là gì? Hãy cùng Hãng Luật Bạch Tuyết tìm hiểu vấn đề trên!
Mục lục bài viết
1. Điều kiện để áp dụng biện pháp phong toả tài sản của người có nghĩa vụ:
Theo Điều 126 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được Toà chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong toả tài sản của người có nghĩa vụ, theo đó:
Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ chỉ áp dụng khi có yêu cầu của đương sự
Theo Điều 135 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Toà án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 114 của Bộ luật này trong trường hợp đương sự không yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vì vậy biện pháp phong toả tài sản của người có nghĩa vụ không thuộc trường hợp này nên khi muốn Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần phải có yêu cầu của đương sự.
Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ chỉ áp dụng với giá trị tài sản tương đương hoặc thấp hơn với nghĩa vụ tài sản của người bị áp dụng:
Theo khoản 4 Điều 133 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì đối với biện pháp phong toả tài sản của người có nghĩa vụ chỉ được áp dụng khi tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ thực hiện. Quy định này được hướng dẫn cụ thể tại nghị quyết 02/2020/NQ – HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biên pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
2. Trình tự, thủ tục yêu cầu Toà án áp dụng phong toả tài sản
Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi Tòa án có thẩm quyền. Đơn yêu cầu cần đầy đủ các nội dung chính sau đây:
– Ngày, tháng, năm làm đơn;
– Tên, địa chỉ, số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
– Tên, địa chỉ, số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
– Tóm tắt nội dung tranh chấp, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
– Lý do phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
– Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và yêu cầu cụ thể.
Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
Tuy nhiên theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 nêu rõ khi người có yêu cầu Toà án áp dụng phong toả tài sản của người có nghĩa vụ cần phải nộp cho Toà án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng, các tổ chức tín dụng hoặc cá nhân, tổ chức khác hoặc chứng từ về gửi tiền, kim loại giấy tờ có giá vào tài sản phong do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu.
3. Trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng
Trong trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình trong trường hợp yêu cầu không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
Trong trường hợp nếu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Toà án phải bồi thường nếu thuộc các trường hợp:
– Toà án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
– Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp mà cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân yêu cầu;
– Áp dụng vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Việc bồi thường thiệt hại quy định nêu trên được thực hiện theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trên đây là tư vấn của Hãng luật Bạch Tuyết về chủ đề “Điều kiện áp dụng biện pháp phong toả tài sản của người có nghĩa vụ”, Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết,
- Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
- Website: https://hangluatbachtuyet.com/
2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết – Chi nhánh Phú Nhuận
- Số điện thoại: 0376019226