Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, lấy xác

Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, lấy xác

Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, hiến xác của mình sau khi chết; có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và luật khác có liên quan. (Điều 35 BLDS)

1. Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người được thực hiện phải phù hợp với mục đích nào?

Việc hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người phải vì mục đích chữa bệnh, thử nghiệm, nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

(Khoản 1, 2 Điều 35 BLDS).

2. Cá nhân khi hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết thì cần bảo đảm điều kiện nào về năng lực chủ thể?

Cá nhân khi thực hiện quyền này phải là người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có NLHVDS đầy đủ. Trường hợp hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo thì nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên, có NLHVDS đầy đủ có quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đối với những người thuộc diện bị nhiễm HIV, nghiện ma túy thì việc thực hiện quyền này của họ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật khác có liên quan.

(Điều 5, Điều 6 Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người)

3. Người đã hiến mô, bộ phận cơ thể của mình thì nhận được những quyền lợi nào?

Người đã hiến mô, bộ phận cơ thể của mình nhận được những quyền lợi sau:

  • Đối với người đã hiến mô được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế.
  • Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người có các quyền lợi sau đây:

– Được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí;

– Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí;

– Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế;

– Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

(Điều 17 Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người, Thông tư số 104/2017/TT-BTC ngày 5 tháng 10 năm 2017 quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác)

4. Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống được thực hiện như thế nào?

Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống được thực hiện như sau:

– Người có đủ điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình với cơ sở y tế.

– Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

– Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến.

– Khi nhận được thông báo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế có thẩm quyền có trách nhiệm sau đây:

+ Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người;

+ Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến;

+ Báo cáo danh sách người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

– Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống có hiệu lực kể từ khi cơ sở y tế nhận đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.

(Điều 12, Điều 16 Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Quyết định số 07/2008/QĐ-BYT ngày 14/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành các mẫu đơn tự nguyện hiến, huỷ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống, sau khi chết và hiến xác; các mẫu thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và hiến xác)

5. Việc thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống được thực hiện như thế nào?

Việc thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống được thực hiện như sau:

– Đối với trường hợp muốn thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống thì người đã đăng ký hiến gửi đơn đề nghị thay đổi hoặc hủy bỏ đến cơ sở y tế đã tiếp nhận đơn đăng ký hiến.

– Đối với cơ sở y tế đã tiếp nhận đơn đăng ký hiến phải có các trách nhiệm sau đây:

+ Tiếp nhận đơn thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống của người đã đăng ký hiến;

+ Trong thời gian hai ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn, thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người về việc thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.

– Việc thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống có hiệu lực kể từ khi cơ sở y tế nhận đơn thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.

(Điều 13 Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Quyết định số 07/2008/QĐ-BYT ngày 14/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành các mẫu đơn tự nguyện hiến, huỷ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống, sau khi chết và hiến xác; các mẫu thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và hiến xác).

Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, lấy xác
Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, lấy xác

6. Trường hợp cá nhân muốn hiến xác thì cần đảm bảo điều kiện nào về năng lực chủ thể?

Cá nhân muốn hiến xác phải là người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có NLHVDS đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

(Điều 5 Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người)

7. Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết được thực hiện như thế nào?

Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết được quy định như sau:

– Người có đủ điều kiện về hiến mô, bộ phận cơ thể người có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết với cơ sở y tế.

– Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

– Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến.

– Sau khi nhận được thông báo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế có thẩm quyền có trách nhiệm sau đây:

+ Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người;

+ Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến;

+ Cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho người hiến;

+ Báo cáo danh sách người đăng ký hiến đã được cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

– Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến.

(Điều 16, Điều 18 Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Quyết định số 07/2008/QĐ-BYT ngày 14/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành các mẫu đơn tự nguyện hiến, huỷ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống, sau khi chết và hiến xác; các mẫu thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và hiến xác)

Nguồn tư liệu: Sổ tay pháp lý một số quyền về nhân thân và tài sản của các nhóm người dễ bị tổn thương (trong khuôn khổ hoạt động hợp tác giữa Bộ Tư pháp và dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” (GIG) của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp))

Trên đây là bài viết liên quan đến “Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, lấy xác”, Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào khác  hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

  • Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
  • Email: luatbachtuyet@gmail.com
  • Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết
  • Website: hangluatbachtuyet.com
  • Địa chỉ trụ sở chính: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Địa chỉ chi nhánh 1: 144D Nguyễn Đình Chính, phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan:

Number of views: 95

Leave a Reply

Your email address will not be published.