Biện pháp tự vệ thương mại

Biện pháp tự vệ thương mại
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc tự do hóa thương mại. Khi gia nhập WTO, các quốc gia phải cam kết giảm và loại bỏ rào cản thuế quan và phi thuế quan, mở ra khả năng sản phẩm từ nước ngoài dễ dàng tiếp cận thị trường trong các quốc gia thành viên. Điều này tạo điều kiện cho người tiêu dùng nhập khẩu có thể tiếp cận hàng hoá chất lượng tốt và giá thành rẻ. Tuy nhiên, đồng thời cũng mang đến những rủi ro khi các nhà sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hoá nhập khẩu. Để giải quyết vấn đề này, WTO cho phép các quốc gia thành viên áp dụng biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước khỏi tác động của quá trình tự do hóa thương mại, trong đó bao gồm biện pháp tự vệ thương mại. Vậy biện pháp tự vệ thương mại là gì? Cơ sở áp dụng và các biện pháp tự vệ thương mại được áp dụng là gì? Bài viết hôm nay của Hãng Luật Bạch Tuyết sẽ giới thiệu đến Quý vị bạn đọc chủ đề nêu trên.

1. Khái quát biện pháp tự vệ thương mại

Biện pháp tự vệ thương mại, với vai trò là một trong số các biện pháp phòng vệ thương mại, được đặt ra nhằm tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hóa khi việc nhập khẩu chúng tăng nhanh gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Như vậy, về bản chất, biện pháp tự vệ thương mại được coi là một trường hợp ngoại lệ mà thành viên WTO được miễn thực hiện một số nghĩa vụ theo quy định của GATT và các cam kết WTO liên quan.

2. Khung pháp lý cho biện pháp tự vệ thương mại trong hệ thống thương mại GATT/WTO

2.1. Điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ thương mại

Theo khoản 1 Điều 2 Hiệp định về tự vệ thương mại, biện pháp tự vệ thương mại được áp dụng khi và chỉ khi cơ quan có thẩm quyền của thành viên nhập khẩu (trong WTO) có kết luận đầy đủ như sau:

  • Có sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu đang bị điều tra

Về sự gia tăng của hàng hóa, Điều 2.1, Hiệp định Tự vệ thương mại quy định rằng một thành viên đã xác định được là:

(i) có sự gia tăng tuyệt đối của sản phẩm nhập khẩu, (sự gia tăng mang tính định lượng cụ thể bằng tấn hàng nhập khẩu hoặc số lượng đơn vị hàng nhập khẩu); hoặc

(ii) có sự gia tăng tương đối của sản phẩm nhập khẩu, (sự gia tăng của khối lượng hàng nhập khẩu trong so sánh với khối lượng hàng hoá được sản xuất trong nước).

(2) Có sự phát triển không lường trước được và sự gia tăng này là kết quả từ các nghĩa vụ mà thành viên nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại phải tuân thủ theo quy định của GATT 1994

Sự phát triển không lường trước được hiểu là sự phát triển, gia tăng diễn ra sau khi các thành viên WTO đã đàm phán cắt giảm thuế quan và các thành viên này đã không và không thể biết tại thời điểm đàm phán. Cụ thể là:

– Việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp nội địa của thành viên nhập khẩu đang sản xuất sản phẩm tương tự hoặc sản phẩm cạnh tranh trực tiếp;

– Có mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu gia tăng và thiệt hại đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

 (3) Có thiệt hại nghiêm trọng 

Điều XIX GATT 1994 và Điều 4 Hiệp định tự vệ thương mại yêu cầu các thành viên phải xem xét liệu rằng ngành công nghiệp trong nước có bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa bị thiệt hại nghiêm trọng từ sự gia tăng đột biến của hàng nhập khẩu hay không. Trong đó, “thiệt hại nghiêm trọng” được hiểu là sự suy giảm toàn diện đáng kể tới vị trí của ngành công nghiệp trong nước. Và “đe dọa bị thiệt hại nghiêm trọng” là thiệt hại nghiêm trọng rõ ràng sẽ xảy ra trong một tương lai rất gần được đánh giá dựa vào các bằng chứng cụ thể, hiện hữu chứ không phải là các lời biện luận mang tính chất cáo buộc, không phải là khả năng xảy ra ở trong tương lai xa.

Ngoài ra, để xác định sự hiện diện của thiệt hại và mức độ nghiêm trọng của thiệt hại, GATT/WTO yêu cầu các thành viên phải đánh giá tất cả các yếu tố có liên quan tại Điều 4.2 Hiệp định tự vệ thương mại như: tốc độ, số lượng gia tăng nhập khẩu, thị phần trong nước của phần gia tăng, sự thay đổi mức bán hàng, sản xuất, năng suất, công suất sử dụng, lợi nhuận, thua lỗ và việc làm.

(4) Yêu cầu về mối quan hệ nhân quả 

Điều kiện bắt buộc để áp dụng biện pháp tự vệ thương mại là thành viên nhập khẩu phải chứng minh được:

– Mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu gia tăng và thiệt hại/đe dọa thiệt hại nghiêm trọng;

– Xác định liệu rằng các thiệt hại liên quan có thể là hậu quả của các nhân tố khác hay không. Trong trường hợp có thiệt hại bị gây ra bởi yếu tố khác, thì thiệt hại này không được tính là do hàng hóa nhập khẩu gia tăng. Quốc gia nhập khẩu phải đưa ra những luận cứ, bằng chứng đầy đủ về bản chất và mức độ ảnh hưởng của thiệt hại để phân biệt thiệt hại bị gây ra từ các yếu tố khác với thiệt hại nghiêm trọng từ sự gia tăng hàng nhập khẩu.

2.2. Nguyên tắc áp dụng biện pháp tự vệ thương mại

(1) Nguyên tắc không phân biệt đối xử

Biện pháp tự vệ thương mại áp dụng đối với hàng nhập khẩu không được phân biệt nguồn gốc xuất xứ, ngoại trừ hàng hóa có liên quan nhập khẩu từ thành viên đang phát triển có thị phần không vượt quá 3% tính riêng lẻ (mức thị phần tối thiểu de miminis) hoặc không vượt quá 9% tính gộp mặc dù thị phần tính riêng lẻ thấp hơn 3%.

(2) Nguyên tắc đảm bảo bồi thường tổn thất thương mại

Thành viên nhập khẩu có nghĩa vụ cam kết bồi thường cho các thành viên có hàng hóa bị áp dụng biện pháp tự vệ thương mại. Mức độ và phương thức bồi thường sẽ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Nếu thành viên nhập khẩu không thống nhất được với các thành viên khác về mức độ và phương thức bồi thường, các thành viên khác được quyền áp dụng biện pháp trả đũa bằng cách ngưng thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ thương mại của mình đối với quốc gia áp dụng biện pháp tự vệ thương mại mà không thực hiện bồi thường theo quy định.

(3) Nguyên tắc ưu tiên các nước đang phát triển

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thừa nhận cần phải dành cho những nước đang và chậm phát triển những điều kiện thuận lợi hơn, những chế độ đãi ngộ đặc biệt trong thương mại quốc tế mà không yêu cầu có đi có lại trong cam kết. Chẳng hạn Điều 9 Hiệp định tự vệ thương mại (Hiệp định SA) quy định các biện pháp tự vệ không được áp dụng với hàng hóa có nguồn gốc từ một nước thành viên đang phát triển nếu thị phần xuất khẩu của nước này tại nước nhập khẩu không quá 3%. Hoặc nếu có nhiều nước thành viên đang phát triển có thị phần từng nước dưới 3% và tổng thị phần các nước này không quá 9% thì cũng không áp dụng biện pháp tự vệ.

(4) Nguyên tắc áp dụng các biện pháp tự vệ trong phạm vi và mức độ cần thiết

Biện pháp tự vệ thương mại chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước, để ngành sản xuất trong nước có thời gian điều chỉnh. Trong đó, mức độ cần thiết được hiểu là biện pháp tự vệ thương mại chỉ được áp dụng ở mức phù hợp với thiệt hại do chính hàng nhập khẩu gia tăng gây ra, không tính thiệt hại từ các yếu tố khác.

2.3. Thời hạn áp dụng

Về nguyên tắc, biện pháp tự vệ thương mại chỉ là các biện pháp mang tính chất tạm thời, chỉ áp dụng sau khi có quyết định điều tra cuối cùng của thành viên nhập khẩu và áp dụng tối đa 4 năm. Trong trường hợp cần thiết, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được rằng việc tiếp tục áp dụng tự vệ thương mại là cần thiết để ngăn chặn thiệt hại nghiêm trọng có thể xảy ra đối với ngành sản xuất trong nước và cơ quan này xuất trình được các chứng cứ liên quan đến việc ngành sản xuất trong nước đang điều chỉnh, thì có thể gia hạn thêm 4 năm tiếp theo. Đối với thành viên đang phát triển, Hiệp định SA cho phép thành viên đang phát triển đó áp dụng biện pháp tự vệ thương mại tối đa là 10 năm, thay vì 8 năm như các thành viên khác.

Biện pháp tự vệ thương mại
Biện pháp tự vệ thương mại

3. Các biện pháp tự vệ thương mại

3.1. Biện pháp thuế quan

Thuế quan là khoản thu theo dạng thuế đánh vào sản phẩm khi hàng hóa nhập khẩu vào thị trường nội địa. Đây là biện pháp mà WTO cho phép các nước thành viên sử dụng để bảo hộ thị trường trong nước. Sở dĩ thuế quan được chọn là công cụ phổ biến để áp dụng bởi những lý do sau:

Thứ nhất, thuế quan góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, nhất là đối với những nước đang phát triển.

Thứ hai, thuế quan giúp các nhà sản xuất trong nước có thể bán hàng trên thị trường nội địa mà không phải chịu sức ép canh tranh lớn, thể hiện được chức năng, mục tiêu của thuế là bảo hộ nền sản xuất.

Thứ ba, thuế quan có tác động điều tiết nhập khẩu lượng hàng hóa tràn vào thị trường nhất định. Thuế suất của một loại hàng hóa cao sẽ làm cho lượng hàng nhập khẩu đó giảm xuống. Việc áp dụng thuế quan không dẫn tới triệt tiêu quan hệ thương mại, vì dù cho thuế suất có tăng cao thì hàng hóa nước ngoài vẫn phần nào có cơ hội xâm nhập vào thị trường nội địa.

3.2. Biện pháp phi thuế quan

Trong khuôn khổ hệ thống GATT/WTO, hàng rào phi thuế quan được hiểu là những biện pháp phi thuế quan của Chính phủ mang tính cản trở đối với thương mại quốc tế. Các biện pháp này rất đa dạng như: hạn chế định lượng, thủ tục hành chính/hải quan, phí và lệ phí, tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật, đánh nhãn hàng hóa, v.v. Nhìn chung, WTO có xu hướng hạn chế các quốc gia thành viên thiết lập và áp dụng các hàng rào phi thuế quan. Tuy nhiên, quốc gia đó vẫn có thể áp dụng các biện pháp phi thuế quan nếu đảm bảo yêu cầu về nội dung, quy trình theo quy định của luật WTO.

Trong số bài viết tiếp theo, Chúng tôi sẽ cung cấp đến Quý bạn đọc một số trường hợp thực tế áp dụng các Biện pháp tự vệ thương mại ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới cung cấp đến Quý bạn đọc

Trên đây là tư vấn của Hãng luật Bạch Tuyết về chủ đề “Biện pháp tự vệ thương mại, Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN: 

Đóng thuế trong hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử?

Phân biệt trốn thuế và tránh thuế

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được mua nhà tại Việt Nam để cho thuê hay không?

 

Number of views: 140

Leave a Reply

Your email address will not be published.