Đóng thuế trong hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử?

Đóng thuế trong kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử

Hiện nay, trong thời đại công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển khiến cho nhiều người lựa chọn hình thức bán hàng online để kinh doanh qua các trang thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop… đem lại thu nhập, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên khi kinh doanh qua sàn thương mại điện tử thì có cần phải thực hiện nghĩa vụ về thuế như kinh doanh bình thường hay không và cần phải đóng những loại thuế nào?

1. Đối tượng đăng ký thuế trên sàn giao dịch thương mại điện tử

Theo khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP: “Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó”.

Một trong những điều kiện để thiết lập website thương mại điện tử bán hàng là “thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân”. Mã số thuế do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế. Chủ thể trong hoạt động kinh doanh gồm: Chủ sở hữu website TMĐT và người bán.Vậy khi phát sinh nghĩa vụ thuế trong giao dịch điện tử thì đối tượng nào phải đóng thuế?

Để quản lý chặt chẽ hơn với hoạt động bán hàng trên sàn thương mại điện tử, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Theo đó, các sàn TMĐT cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.  Điều này đồng nghĩa với việc sàn TMĐT chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng mà không cần có nghĩa vụ nộp thuế thay người bán (trừ trường hợp được người bán ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự). Còn người bán (doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân) là đối tượng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Đóng thuế trong kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử

2. Các khoản thuế phải nộp trong kinh doanh trên sàn thương mại điện tử 

Các hộ kinh doanh (HKD), cá nhân kinh doanh (CNKD) nộp thuế GTGT và thuế TNCN thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 40/2021/TT-BTC. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, không phân biệt hình thức sản xuất kinh doanh là trực tiếp hay trực tuyến.

Căn cứ tính thuế đối với HKD, CNKD là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. Khi mức doanh thu trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Như vậy nghĩa vụ thuế phát sinh khi doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên/năm.

Xác định số thuế phải nộp như sau:

  • Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
  • Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
  • Tỷ lệ thuế GTGT (nếu hàng hóa thuộc loại chịu thuế GTGT, không tính nếu là hàng hóa không chịu thuế GTGT) và tỷ lệ thuế TNCN quy định chi tiết theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Ngoài ra, trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh là cơ sở sản xuất trực tiếp bán ra hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, hoặc kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải nộp thuế TTĐB tùy thuộc từng loại hàng hóa dịch vụ (Ví dụ như sản xuất và bán hàng mã).

Đối với doanh nghiệp, hàng hóa dịch vụ bán ra trên sàn TMĐT cần được tập hợp kê khai đầy đủ, chính xác vào hoạt động bán hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp để xác định các nghĩa vụ thuế liên quan (GTGT, TNDN…) theo phương pháp tính thuế mà doanh nghiệp áp dụng.

3. Khai thuế trên sàn thương mại điện tử đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Thứ nhất, áp dụng phương pháp kê khai đối với HKD, CNKD quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Thứ hai, áp dụng phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định.

Thứ ba, áp dụng phương pháp khoán khi HKD, CNKD không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh

Hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế được quy định tại Phụ Lục I- Danh mục hồ sơ khai thuế ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ gồm:

Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai

  • Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.
  • Phụ lục Bảng kê hoạt động kinh doanh trong kỳ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (áp dụng đối với HKD, CNKD nộp thuế theo phương pháp kê khai) theo mẫu số 01-2/BK-HĐKD . Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải nộp Phụ lục Bảng kê mẫu số 01-2/BK-HĐKD.

Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh

  • Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm Thông tư 40/2021/TT-BTC.
  • Các tài liệu kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh gồm:

– Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ;

– Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;

– Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất;…

Đối với hộ khoán: Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Đóng thuế trong kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử

4. Xử phạt hành vi trốn thuế

Hành vi trốn thuế là hành vi bị cấm, do đó tổ chức, cá nhân có hành vi trốn thuế sẽ bị xử lý tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, cụ thể:

Xử phạt vi phạm hành chính: Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP: Bao gồm hình thức xử phạt tiền, buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Xử lý hình sự: Điều 200 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung bởi Điểm a khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017): Bao gồm hình thức xử phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Trên đây là bài viết của Hãng Luật Bạch Tuyết về chủ đề “Đóng thuế trong hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử”. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn và sử dụng dịch vụ. 

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN: 

Phân biệt trốn thuế và tránh thuế

Doanh nghiệp bị đóng mã số thuế thì có được xuất hóa đơn không?

Hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT khi sáp nhập doanh nghiệp

Thủ tục thay đổi địa chỉ nhận thông báo thuế năm 2022

Number of views: 187

Leave a Reply

Your email address will not be published.