Quyền tham gia tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Việc người lao động chính thức được thành lập các tổ chức đại diện cho mình, thay vì chỉ được lựa chọn tham gia vào tổ chức công đoàn như trước đây đã thể hiện đúng cam kết của Việt Nam, trong các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết mà nổi bật là Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP).

Bộ luật Lao động năm 2019 đã chính thức thừa nhận và cho phép người lao động thành lập các tổ chức đại diện mới cho mình hoạt động tại cơ sở, tổ chức này hoạt động song song và bình đẳng với tổ chức công đoàn. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm hai loại hình: Công đoàn cơ sở và tổ chức người lao động tại doanh nghiệp.

Cách thức thành lập và gia nhập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Thứ nhất, công đoàn cơ sở

Nguyên tắc tổ chức của Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Khoản 2 Điều 4 Luật công đoàn quy định: “Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam”.

Cấp trên trực tiếp cơ sở gồm: Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Liên đoàn lao động cấp huyện); Công đoàn ngành địa phương; Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp); Công đoàn tổng công ty.

Quy trình thành lập công đoàn cơ sở

Bước 1: Lập Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.

– Người lao động là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên công đoàn được vận động người lao động khác gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở thông qua hình thức tổ chức ban vận động. – Các thành viên ban vận động cử trưởng ban vận động và liên hệ công đoàn cấp trên gần nhất để được hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ;

– Khi có 05 người trở lên (gồm người lao động đang là đoàn viên công đoàn và người lao động có đơn gia nhập công đoàn) tự nguyện liên kết thành lập công đoàn cơ sở trưởng ban vận động liên hệ công đoàn cấp trên để được giúp đỡ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở.

Bước 2: Tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở. Nội dung đại hội, thành phần tham dự đại hội được thực hiện theo khoản 12.2 mục 12 Trình tự, thủ tục thành lập, giải thể công đoàn cơ sở.

Bước 3: Lập hồ sơ đề nghị công đoàn cấp trên xem xét, công nhận

– Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội, ban chấp hành phải lập hồ sơ đề nghị công đoàn cấp trên xem xét, công nhận việc thành lập công đoàn cơ sở. Thành phần hồ sơ thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 12.3 Hướng dẫn số 03.

Bước 4. Nhận thông báo của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về việc thành lập công đoàn cơ sở

– Trường hợp đủ điều kiện, đúng quy định pháp luật, ban hành quyết định công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở, ban chấp hành và các chức danh của ban chấp hành theo quy định;

– Trường hợp không đủ điều kiện sẽ thông báo bằng văn bản cho người lao động đồng thời hướng dẫn thực hiện đúng quy trình, thủ tục.

Thứ hai Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

– Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ được thành lập theo trình tự, thủ tục luật định và được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch. (Điều lệ hoạt động. Bản điều lệ này được hướng dẫn tại Điều 174 Bộ luật Lao động năm 2019);

– Ngoài ra, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có thể gia nhập Công đoàn Việt Nam. Trường hợp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn.

Quyền tham gia tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Người lao động có bắt buộc phải tham gia tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

–               Theo  khoản 1, Điều 170, Bộ luật Lao động quy định người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.

–               Theo khoản 1, Điều 4, Luật Công đoàn 2012, quyền công đoàn là quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, đoàn viên công đoàn và quyền của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy việc thành lập, gia nhập công đoàn được xác định là một quyền của người lao động. Người lao động có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền của mình mà không vi phạm pháp luật.

– Đồng thời, điểm b, khoản 1, Điều 45, Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng quy định người lao động được quyết định: Gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Vì vậy người lao động không bắt buộc phải tham gia công đoàn tại cơ sở lao động. Việc tham gia công đoàn tùy thuộc vào nhu cầu, mong muốn của người lao động và thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Họ có thể lựa chọn tham gia công đoàn hoặc các tổ chức đại diện khác hoặc không tham gia các tổ chức đại diện.

Trên đây là bài viết của Hãng Luật Bạch Tuyết về “Quyền tham gia tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở” . Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Hãng Luật Bạch Tuyết theo thông tin sau đây để được tư vấn và sử dụng dịch vụ của chúng tôi:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết liên quan:

04 chế độ bảo hiểm thất nghiệp: Người lao động nên biết để được hưởng quyền lợi!

Tiền lương và nguyên tắc trả lương cho người lao động

Quyền lợi của người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Number of views: 126

Leave a Reply

Your email address will not be published.