Bên cạnh những quyền lợi chung đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì pháp luật về lao động của Việt Nam dành nhiều ưu đãi cho người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Bởi vì, so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm gặp rủi ro và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Mục lục bài viết
Công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là gì?
Các văn bản pháp luật hiện nay không định nghĩa công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà chỉ quy định yếu tố nguy hiểm và yếu tố có hại. Cụ thể, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định: “Yếu tố nguy hiểm là yếu tố gây mất an toàn, làm tổn thương hoặc gây tử vong cho con người trong quá trình lao động. Yếu tố có hại là yếu tố gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe con người trong quá trình lao động”.
Như vậy, có thể hiểu người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là người lao động làm việc trong điều kiện, môi trường có các yếu tố gây mất an toàn, làm tổn thương, gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe hoặc gây tử vong cho người lao động.
Quyền lợi nghỉ hằng năm
So với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì người lao động làm việc nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định dài hơn. Điều này là hoàn toàn hợp lý, bởi vì cơ thể người lao động cần được nghỉ ngơi, phục hồi sau khoảng thời gian làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại và nguy hiểm.
Cụ thể, Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Quyền lợi về tuổi nghỉ hưu
Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Bên cạnh đó, người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bên cạnh những quyền lợi chung đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì đối với từng đối tượng đặc biệt còn được hưởng thêm một số ưu đãi.
Quyền lợi đối với Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí
Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 sửa đổi, bổ sung Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 84/2015/QH13 và Luật số 35/2018/QH14 quy định người lao động nghỉ việc được hưởng lương hưu khi:
- Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên;
- Người lao động đủ 55 tuổi 03 tháng đối với lao động nam (thay vì đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam làm việc trong điều kiện bình thường) và đủ 50 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ (thay vì đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nam làm việc trong điều kiện bình thường); sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
- Đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
Quyền lợi đối với người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động
Theo quy định tại Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 quy định người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Độ tuổi của người lao động làm việc nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thường được quy định cao hơn người lao động làm việc trong điều kiện bình thường.
Quyền lợi đối với lao động nữ
Khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định bảo vệ thai sản đối với lao động nữ được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi khi có đủ các điều kiện sau:
- Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai;
- Thông báo cho người sử dụng lao động biết.
Quyền lợi đối với người lao động cao tuổi
Khoản 3 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 quy định không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn. Bởi lẽ, người lao động cao tuổi có sức khỏe không được tốt, việc để người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người lao động cao tuổi.
Trường hợp sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi mà không bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn là vi phạm pháp luật và bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Quyền lợi đối với người lao động là người khuyết tật
Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó theo quy định tại khoản 2 Điều 160 Bộ luật Lao động 2019.
Trường hợp không có sự đồng ý của người khuyết tật hoặc người khuyết tật đồng ý làm việc nhưng người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó là hành vi bị nghiêm cấm và bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động.
Trên đây là tư vấn của Hãng luật Bạch Tuyết về chủ đề “Quyền lợi của người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”, Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
- Số điện thoại: 094.994.0303
- Email: luatbachtuyet@gmail.com
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết
- Website: hangluatbachtuyet.com
Bài viết liên quan:
- Phụ cấp độc hại đối với người lao động năm 2022
- Người lao động cần làm gì khi bị nợ lương mới nhất 2021
Why pedople still maske usee of to read nsws papes
whhen inn thos technnological world thee whole thing iss presented on web?
Feeel freee too surf too my website: umb