Chế Độ Hưởng Thai Sản Năm 2022

Chế độ hưởng thai sản năm 2022

1. Chế độ thai sản là gì?

Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng trong quá trình thai sản từ khi khám thai đến khi nuôi con nhỏ. Đây là một chính sách quan trọng, giúp đảm bảo, hỗ trợ một phần thu nhập và sức khỏe của lao động nữ khi mang thai, nuôi con nhỏ, thực hiện các biện pháp tránh thai và cho lao động nam khi có vợ sinh con.

Chế độ hưởng thai sản năm 2022
Chế độ hưởng thai sản năm 2022

2. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

Theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì để được hưởng chế độ thai sản, người lao động phải đáp ứng đủ cả hai điều kiện sau đây.

a) Điều kiện về đối tượng

Người lao động được hưởng chế đội thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  1. Lao động nữ mang thai;
  2. Lao động nữ sinh con;
  3. Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
  4. Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
  5. Người lao động đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
  6. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

b) Điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Người lao động thuộc các trường hợp (i) lao động nữ sinh con; (ii) lao động nữ mang thai hội và người mẹ nhờ mang thai hộ và (iii) người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Người lao động thuộc trường hợp lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bẹnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

3. Thời gian hưởng chế độ thai sản

3.1. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi khám thai

Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên đây tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

3.2. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý

Sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý là các trường hợp ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như tâm lý của người mang thai. Vì vậy, pháp luật Việt Nam quy định các trường hợp này người lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên đây tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

3.3. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con

Khác với suy nghĩ thông thường là chế độ thai sản chỉ dành cho phụ nữ – người mang thai, thực chất chế độ thai sản được áp dụng đối với cả người lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. Cụ thể chế độ thai sản khi sinh con áp dụng với hai đối tượng nêu trên trong từng trường hợp như sau:

a) Đối với lao động nữ sinh con:

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản: lao động nữ khi sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

Trường hợp sau khi sinh con:

  • Nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con;
  • Nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định nêu trên đây; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

b) Đối với lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con

Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

  • 05 ngày làm việc;
  • 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
  • Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
  • Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định nêu trên được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

c) Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định được nêu tại mục a trên đây. Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện (i) đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc (ii) đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

d) Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định nêu tại mục c) trên đây thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo quy định tại mục a) nêu trên.

e) Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Lưu ý: các trường hợp a) , c) , d) , e) nêu trên đây tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

3.4. Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ

Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại mục a phần 3,3 nêu trên đây. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

3.5. Thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản về thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.

3.6. Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai

Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

a) 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;

b) 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

Thời gian hưởng chế độ thai sản nêu trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

4. Mức hưởng chế độ thai sản

  • Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
  • Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng một tháng là bình quân của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
  • Mức hưởng một ngày đối với trường hợp hưởng chế độ khi khám thai, lao động nam nghỉ việc khi có vợ sinh con được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
  • Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm mục 1 và 2 của mục 4 nêu trên đây. Trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý hoặc trường hợp hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
  • Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

5. Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe nêu trên đây do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

6. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

b) Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;

c) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;

d) Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

đ) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền

Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai theo quy định phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.

Trường hợp người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải có giấy chứng nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con phải có bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con và giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

7. Trình tự, thủ tục hưởng chế độ thai sản

Bước 1. Người lao động nộp hồ sơ nêu tại mục 6 trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. Trường hợp thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi thì người lao động sẽ nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH.

Bước 2. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ tổng hợp theo quy định nộp lên cơ quan BHXH. Tiếp đó, trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động hoặc 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động thôi việc trước khi sinh, nhận con nuôi cơ quan BHXH sẽ xét duyệt giải quyết và chi trả.

Bước 3. Trong thời gian chờ giải quyết (tối đa trong vòng 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ) người lao động sẽ nhận được thông báo chi trả của cơ quan BHXH. Trường hợp cơ quan BHXH không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Sau khi nhận được thông báo chi trả, người lao động sẽ nhận chi trả từ cơ quan bảo hiểm xã hội, thời gian nhận tối đa không quá 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ.

Trên đây là tư vấn của Hãng Luật Bạch Tuyết về chủ đề “Chế Độ Hưởng Thai Sản Năm 2022”. Nếu quý khách có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết liên quan:

Bảo hiểm xã hội 1 lần là gì? Hồ sơ thủ tục để hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần

Khi nghỉ việc tại công ty người lao động sẽ được hưởng trợ cấp trong trường hợp nào?

Thủ tục nhận tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp theo nghị quyết 116

Người lao động được nghỉ lễ 30/4 và 01/5 bao nhiêu ngày?

 

Number of views: 164

Leave a Reply

Your email address will not be published.