Tạm ngừng kinh doanh do dịch bệnh Covid-19 doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Các loại hợp đồng lao động theo quy định mới nhất

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến hết sức phức tạp khiến việc sản xuất – kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động thì tạm ngừng kinh doanh là một lựa chọn đáng cân nhắc nếu doanh nghiệp chưa muốn giải thể. Doanh nghiệp cần lưu ý những điều sau đây khi tạm ngừng kinh doanh:

1. Thực hiện thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh

Theo khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp phải gửi thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Theo khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP trường hợp doanh nghiệp, có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh.

Như vậy, trước khi tiến hành tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp bắt buộc phải thông báo với phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Với tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện tại gặp  việc đi lại không ít khó khăn, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục thông báo tạm ngừng hoạt động thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo địa chỉ www.dangkykinhdoanh.gov.vn.

2.  Mức xử phạt khi không thông báo tạm ngừng kinh doanh

Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.

Bên cạnh đó Điều 32 Nghị định 50/2016/NĐ-CP cũng có quy định về mức phạt đối  không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cụ thể:

– Đối với hành vi không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh sẽ áp dụng hình thức phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng.

– Đối với hành vi đăng ký tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh  sẽ áp dụng hình thức phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng.

Khoản 4 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP (thay thế Nghị định 78/2015/NĐ- CP) quy định “Trường hợp doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp và tình trạng của tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh”. Theo đó doanh nghiệp sẽ không phải “đồng thời gửi thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đến phòng đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã đăng ký”  khi tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp như tại khoản 1 Điều 57 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.  Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cập nhật luôn tình trạng của tất cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của chi nhánh khi doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh.  Do đó, sẽ không có hành vi vi phạm “không thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh doanh nghiệp”.

3. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không phải thông báo với cơ quan thuế

Theo Điều 14 Thông tư 151/2014/TT-BTC “Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế biết về thông tin người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh trở lại chậm nhất không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của người nộp thuế”

Như vậy, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19 phải tạm ngừng kinh doanh thì không phải thông báo cho cơ quan thuế để đề nghị  tạm ngừng  kinh doanh. Việc gửi thông báo cho cơ quan thuế là trách nhiệm của Phòng Đăng ký kinh doanh.

3. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh

Theo Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định:

“Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm”.

Theo đó, doanh nghiệp được quyền tạm ngừng kinh doanh trong mỗi lần thông báo là 01 năm và không giới hạn số lần thông báo. Nghĩa là cứ gần hết 01 năm, doanh nghiệp có thể tiếp tục nộp thông báo tạm ngừng kinh doanh tiếp cho tới khi kinh doanh trở lại.

4. Nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính còn nợ khi tạm ngừng kinh doanh

Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Tạm ngừng kinh doanh
Liên hệ luật sư tư vấn: 0949. 994. 0303/ 088. 62. 60. 651

5. Quản lý thuế đối với doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh

– Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

– Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.

– Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Trên đây là chia sẻ của Hãng Luật Bạch Tuyết về những lưu ý cho doanh nghiệp khi tạm ngừng kinh doanh. Hy vọng những gì chúng tôi cung cấp sẽ giúp cho quý khách hiểu được phần nào quy định của pháp luật về vấn đề trên. Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh đối với doanh nghiệp xin hãy liên hệ theo thông tin sau đây:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết khác:

Number of views: 1041

Leave a Reply

Your email address will not be published.