Thành viên độc lập Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần

Thành viên độc lập hội đồng quản trị của công ty cổ phần

Trong Công ty cổ phần, Cổ đông là người góp vốn, “chủ sở hữu” công ty, Đại Hội đồng cổ đông bầu ra Hội đồng quản trị là người quản lý công ty, nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty (trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông). Tùy vào cách thức quản trị công ty mà Hội đồng quản trị có thể có thành viên độc lập hoặc không. Thành viên độc lập có gì khác Thành viên còn lại của Hội đồng quản trị? Luật Doanh nghiệp quy định như thế nào về họ?

Thành viên độc lập Hội đồng quản trị là ai?

Mục tiêu của Quản trị Công ty là: bảo đảm lợi ích Công ty, lợi ích Cổ đông và tạo điều kiện cho giám sát hiệu quả. Luật doanh nghiệp 2020 cho phép, trừ trường hợp Luật chứng khoán có quy định khác, thì Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau:

– Mô hình 1: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Thành viên độc lập hội đồng quan trị công ty cổ phần
(mô hình quản lý công ty cổ phần có ban kiểm soát)

– Mô hình 2: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Thành viên độc lập
(mô hình quản lý công ty cổ phần không có ban kiểm soát)

So với mô hình 1, mô hình 2 đã không còn ban kiểm soát. Thay vào đó là sự xuất hiện của thành viên độc lập và ban kiểm toán nội bộ. Thành viên độc lập, chính vì tính “độc lập” – không chia sẻ lợi ích, không có mối quan hệ nhân thân với các vị trí điều hành, cổ đông chi phối, cổ đông lớn… nên ý kiến họ đưa ra sẽ vô tư, khách quan, đảm bảo mục tiêu của công ty. Do đó, cùng với ban kiểm toán nội bộ, Thành viên độc lập sẽ thay thế cho ban kiểm soát trong việc tăng cường hiệu quả quản trị thông qua việc đóng góp ý kiến và biểu quyết khi quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị.

Hiệu quả của mô hình 2 có đạt được hay không phụ thuộc vào tính “độc lập” của Thành viên độc lập có được đảm bảo hay không. Hiện nay, các quy định về đề cử thành viên viên hội đồng quản trị, thù lao, lợi ích cho thành viên hội đồng quản trị,… đã làm giảm tính “độc lập” cho Thành viên độc lập Hội đồng quản trị.

Tiêu chuẩn và điều kiện trở thành Thành viên độc lập Hội đồng quản trị

Đầu tiên để trở thành Thành viên độc lập thì phải đáp ứng các điều kiện chung trở thành thành Thành viên Hội đồng quản trị. Cụ thể:

– Không thuộc đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam;

– Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;

– Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác;

– Đối với doanh nghiệp nhà nước  và công ty con của doanh nghiệp nhà nước  thì thành viên Hội đồng quản trị không được là người có quan hệ gia đình của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.

Bên cạnh đó, trừ trường hợp Luật chứng khoán có quy định khác, thành viên độc lập Hội đồng quản trị phải đáp ứng các điều kiện sau: 

– Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó;

– Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;

– Không phải là người có vợ hoặc chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;

– Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty;

– Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ.

Số lượng và nhiệm kỳ của thành viên độc lập Hội đồng quản trị

Số lượng Thành viên độc lập của Hội đồng quản trị và nhiệm kỳ cụ thể của được quy định tại Điều lệ công ty và phải đảm bảo:

– Hội đồng quản trị có từ 3-11 thành viên, trong đó có ít nhất 20% thành viên Hội đồng quản trị là Thành viên độc lập.

– Nhiệm kỳ của Thành viên độc lập Hội đồng quản trị không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị của một công ty không quá 02 nhiệm kỳ liên tục.

Nếu cần trao đổi thêm về vấn đề trên hoặc muốn sử dụng dịch vụ của Hãng Luật Bạch Tuyết xin hãy liên hệ theo thông tin sau đây:

HÃNG LUT BCH TUYẾT

Địa chỉ: 1132 (tầng trệt) Lê Đức Thọ, Phường 13, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

Email: luatbachtuyet@gmail.com

Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết

Số điện thoại: 088.626.0651

Các bài viết khác:

– Phân biệt Cổ phiếu và Trái phiếu theo Luật Chứng khoán 2019

– Thành viên độc lập Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần

– Phân loại và quyền hạn của cổ đông trong công ty cổ phần

 

Number of views: 3456

Leave a Reply

Your email address will not be published.