Trên thực tế, rất nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn chỉ đứng tên vợ hoặc chồng trên giấy tờ giao dịch tài sản chung, từ đó chỉ đứng tên vợ hoặc chồng trên Giấy tờ thể hiện quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Điều này dẫn đến nhiều tranh chấp sau này khi xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng.
Trong trường hợp trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng thì có được xem là tài sản chung của vợ chồng hay không? Để trả lời được câu hỏi trên, chúng ta cùng xem xét một số quy định pháp luật liên quan dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Như thế nào là tài sản chung của vợ chồng
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định tài sản chung của vợ chồng gồm:
- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng;
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung;
- Tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung;
- Tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
- Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 213 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia”. Theo đó, vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
Vậy, tài sản chỉ đứng tên của một người (vợ hoặc chồng) vẫn được xem là tài sản chung của vợ chồng khi thuộc các trường hợp đã nêu ở trên.
2. Đăng ký tài sản chung của vợ chồng
Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định tài sản chung của vợ chồng phải đăng ký theo quy định tại Điều 34 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bao gồm quyền sử dụng đất, những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu.
Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.
Trong trường hợp tài sản chung được chia trong thời kỳ hôn nhân mà trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên cả vợ và chồng thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở văn bản thỏa thuận của vợ chồng hoặc quyết định của Tòa án về chia tài sản chung.
3. Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Khoản 4 Điều 98 Luật đất đai 2013 quy định trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.
4. Đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định rất cụ thể tại Điều 26 việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện như sau:
Thứ nhất, căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng
- Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
- Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.
Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.
Thứ hai, đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh
- Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.
- Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.
Như vậy, trường hợp vợ hoặc chồng đứng tên riêng trên giấy tờ sở hữu tài sản không thể hiện việc tài sản thuộc sở hữu riêng của người đó. Để xác định tài sản có trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng cần phải căn cứ vào nguồn gốc tạo dựng tài sản đó theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Theo đó, nếu tài sản đã được xác định là tài sản chung của vợ chồng, mặc dù trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì khi tiến hành giao dịch tại Tổ chức hành nghề công chứng, bắt buộc phải có mặt trực tiếp của cả hai vợ chồng hoặc giấy ủy quyền, hợp đồng ủy quyền của vợ chồng về việc đồng ý cho một bên vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của pháp luật thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.
Trên đây là tư vấn của Hãng luật Bạch Tuyết về chủ đề “Tài sản đứng tên một người có được xem là tài sản chung của vợ chồng?”, Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết,
- Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
- Website: https://hangluatbachtuyet.com/
2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết – Chi nhánh Phú Nhuận
- Số điện thoại: 0376019226
Các bài viết liên quan:
Xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng
Giải quyết tài sản, con cái khi sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn?
kkk