Những ngày qua, dịch bệnh Covid- 19 đang diễn ra rất phức tạp tại Việt Nam đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh với vài ngàn ca mắc mới mỗi ngày. Người dân bị hạn chế ra khỏi nhà trừ trường hợp cần thiết. Việc phong tỏa Thành phố, siết chặt đi lại gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa nhất là trong các khu vực có nhiều ca nhiễm. Lợi dụng sự khan hiếm hàng hóa này, nhiều người đã tăng giá bán hàng hóa lên cao gấp 2, 3 thậm chí là 5 lần giá bán thông thường để thu thêm lợi nhuận. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về hành vi này?
Mục lục bài viết
1. Xử phạt hành chính
a. Áp dụng Khoản 1 Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về hành vi đầu cơ hàng hóa
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
+ Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá;
+ Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.
– Người vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như sau:
+ Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm nêu trên;
+ Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm nêu trên trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
+ Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm nêu trên trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
– Ngoài ra, người bị vi phạm còn phải khắc phục hậu quả bằng cách nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.
b. Áp dụng Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 49/2016/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ như sau:
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện; (Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết)
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện; (Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết)
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu tái phạm) đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa Điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;
+ Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
c. Áp dụng Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 49/2016/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm quy định về xử phạt hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý như sau:
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
2. Xử phạt hình sự
– Theo quy định tại Điều 196 về tội đầu cơ thì người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính có thể bị phạt tù đến 15 năm tùy vào mức độ vi phạm.
– Đối với pháp nhân thương mại vi phạm, mức phạt cao nhất lên đến 9 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tình hình dịch bệnh phức tạp gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân cả nước, hành vi lợi dụng khó khăn để tăng giá hàng hóa nhằm thu thêm lợi ích của một bộ phận cá nhân, tổ chức là không thể chấp nhận được. Nhà nước cần nghiêm túc xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm để người dân yên tâm chống dịch, cuộc sống nhanh trở về quỹ đạo vốn có.
Trên đây là tư vấn của Hãng Luật Bạch Tuyết về các hình thức xử phạt khi đầu cơ, tăng giá bán hàng hóa không hợp lý. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác, xin liên hệ theo thông tin sau:
1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết,
- Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
- Website: https://hangluatbachtuyet.com/
2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết – Chi nhánh Phú Nhuận
- Số điện thoại: 0376019226
Bài viết liên quan:
Các đối tương được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19
Cách ly theo chỉ thị 16: Xử phạt như thế nào đối với người vi phạm?