Vợ hoặc chồng cản trở quyền thăm con thì làm gì?

Vợ hoặc chồng cản trở quyền thăm con thì làm gì?

“Phải duyên thì dính như keo

Trái duyên chổng chểnh như kèo đục vênh”

Vợ chồng là mối quan hệ tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng và mang nét riêng biệt trong thế giới tình cảm của con người. Bởi lẽ, vợ và chồng không chỉ gắn kết với nhau bởi “tình cảm” mà còn là “tình nghĩa”. Thế nên, người ta mới hay gọi là tình nghĩa vợ chồng. Và minh chứng cho mối quan hệ ấy chính là sự ra đời của những đứa trẻ, đứa trẻ chính là sự dây gắn kết mạnh mẽ nhất giữa vợ và chồng. (Cản trở)

Tuy nhiên, trong cuộc sống tồn tại rất nhiều vấn đề đến từ các nguyên nhân khác nhau làm cho vợ chồng không thể đồng hành cùng nhau trên chặng đường hôn nhân. Một kết quả tất yếu cho cuộc hôn nhân đổ vỡ có lẽ là sự tổn thương đối với những đứa trẻ vô tội. Khi hôn nhân của cha mẹ đổ vỡ, đứa trẻ sẽ thiếu đi sự chăm sóc trọn vẹn của cha hoặc mẹ. Thế nhưng, những người cha, người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng đứa trẻ đôi khi chỉ vì lòng thù hận, ghét bỏ đối phương mà ngăn cấm, cản trở đứa trẻ được gặp gỡ, nhận tình yêu thương từ cha hoặc mẹ (người không trực tiếp nuôi dưỡng).

Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu xem pháp luật quy định như thế nào khi vợ hoặc chồng cản trở quyền thăm con nhé.

Vợ hoặc chồng cản trở quyền thăm con thì làm gì?
(luật sư tư vấn)

Theo quy định của Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn:

 “Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

  1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
  2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
  3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con với người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn thì:

  • Cha, mẹ người mà trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này. Yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
  • Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Do đó, khi vợ hoặc chồng cản trở quyền thăm con thì có thể xử lý như sau:

Thứ nhất, cha, mẹ trực tiếp nuôi con cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con:

  • Trường hợp này người không trực tiếp nuôi con có thể làm đơn yêu cầu thi hành án gửi đến cơ quan thi hành án đề nghị người trực tiếp nuôi dưỡng chấm dứt hành vi cản trở nêu trên và thi hành án việc chăm nom, chăm sóc con theo bản án, quyết định của Tòa án.

Theo đó, người trực tiếp nuôi con có thời gian để tự nguyện thi hành án. Nếu hết thời hạn mà vẫn thực hiện hành vi cản trở sẽ bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 9 và khoản 1 Điều 46 Luật thi hành án năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

  • Tố cáo hành vi cản trở quyền thăm con tới cơ quan công an hoặc xin xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an về việc người trực tiếp nuôi con có hành vi cản trở quyền thăm con. Theo đó, pháp luật quy định bất kỳ người nào có hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con (trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của Tòa án); giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Trường hợp đã bị cưỡng chế hoặc xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn không chấp hành thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ngoài ra người cản trở còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Thứ hai, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con:

  • Trong trường hợp này người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
  • Tố cáo hành vi cản trở quyền thăm con tới cơ quan công an hoặc xin xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an về việc người trực tiếp nuôi con có hành vi cản trở quyền thăm con để người cản trở bị xử lý tương tự như đã nêu ở bên trên.

Cha mẹ ly hôn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con trẻ, chúng đã bị mất mát tình yêu thương, sự chăm sóc như bao đứa trẻ sống trong gia đình hạnh phúc khác. Chính vì vậy, mặc dù vợ chồng không còn tình cảm, nhưng xin hãy đặt sự phát triển của con trẻ lên hàng đầu. Đừng vì những suy nghĩ ích kỷ của bản thân mà làm đứa trẻ thêm tổn thương và thiếu thốn.

Trên đây là tư vấn của Hãng luật Bạch Tuyết về chủ đề “Vợ hoặc chồng cản trở quyền thăm con thì làm gì?”, Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

Thông tin liên hệ:

Number of views: 274

Leave a Reply

Your email address will not be published.