Phụ cấp độc hại đối với người lao động năm 2022

Phụ cấp độc hại đối với người lao động năm 2022

Phụ cấp độc hại có thể được hiểu là một khoản tiền người sử dụng lao động trả thêm cho người lao động nhằm bù đắp một phần tổn hại về sức khỏe, tinh thần, thậm chí là sự suy giảm khả năng lao động.

Phụ cấp độc hại có thể được trả theo tháng, quý hoặc năm. Tùy thuộc vào từng ngành nghề, điều kiện lao động khác nhau, tính chất công việc, mức độ độc hại khác nhau mà mức phụ cấp chi trả khác nhau.

Bài viết này xin chia sẻ đến quý bạn đọc về phụ cấp độc hại đối với cán bộ, công chức, viên chức và đối tượng người lao động khác.

Phụ cấp độc hại đối với người lao động năm 2022
Phụ cấp độc hại đối với người lao động năm 2022

Phụ cấp độc hại đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Theo quy định tại Mục I Thông tư 07/2005/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi độc hại nguy hiểm mà yếu tố độc hại nguy hiểm cao hơn bình thường chưa được tính vào hệ số lương, bao gồm:

– Cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trả lương của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

– Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.

Mức phụ cấp và cách tính trả phụ cấp độc hại đối với cán bộ, công chức, viên chức

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương tối thiểu chung. Hiện nay, mức lương tối thiểu chung theo Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1.490.000 đồng/tháng.

Mục II Thông tư 07/2005/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định áp dụng các mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm:

a) Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có một trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm sau:

a1) Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, làm việc ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm.

a2) Làm việc trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh.

a3) Những công việc phát sinh tiếng ồn lớn hoặc làm việc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép.

a4) Làm việc ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

b) Mức 2, hệ số 0,2 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có hai trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại điểm a nêu trên.

c) Mức 3, hệ số 0,3 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có ba trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại điểm a nêu trên.

d) Mức 4, hệ số 0,4 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại điểm a nêu trên.

Cách tính và nguồn kinh phí chi trả phụ cấp độc hại đối với cán bộ, công chức, viên chức

Cách tính trả phụ cấp:

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm; nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày làm việc. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không để dùng tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm:

Các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, phụ cấp độc hại, nguy hiểm do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị;

Các đối tượng thuộc cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, phụ cấp độc hại, nguy hiểm do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ.

Quyền lợi và phụ cấp độc hại đối với người lao động khác

Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH quy định cụ thể về Danh mục ngành nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Theo đó, người lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng một số quyền lợi theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019 như sau:

– Chế độ nghỉ hằng năm: điểm b, điểm c khoản 1 Điều 113 Bộ luật lao động năm 2019 quy định người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hằng năm 14 ngày. Đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được nghỉ hằng năm 16 ngày.

– Chế độ ốm đau: Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định đối với nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày. Nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

– Tuổi nghỉ hưu: khoản 3 Điều 169 Bộ luật lao động năm 2019 quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định.

Ngoài các quyền lợi nêu trên, Điều 103 Bộ luật lao động năm 2019 quy định Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp như sau: “Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động”. Theo đó, chế độ phụ cấp độc hại đối với người lao động sẽ được quy định cụ thể trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.

Trên đây là tư vấn của Hãng Luật Bạch Tuyết về chủ đề “Phụ cấp độc hại đối với người lao động năm 2022”. Nếu quý khách có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết liên quan:

Những vấn đề cần lưu ý khi tham gia quan hệ lao động

Khi nghỉ việc tại công ty người lao động sẽ được hưởng trợ cấp trong trường hợp nào?

Number of views: 667

Leave a Reply

Your email address will not be published.