Cải tạo không giam giữ là hình phạt không buộc người bị kết án phải cách li ra khỏi xã hội mà giao cho cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội giám sát, giáo dục trong một khoảng thời gian nhất định để người phạm tội được giáo dục cải tạo trở thành người có ích, không hoặc ít ảnh hưởng đến việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 Bộ luật hình sự 2015 thì hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt chính đối với người phạm tội.
Mục lục bài viết
Thời gian cải tạo không giam giữ và điều kiện áp dụng cải tạo không giam giữ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật hình sự 2015 thì thời gian cải tạo không giam giữ là từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều kiện để áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là khi người phạm tội thuộc một trong hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Phạm tội ít nghiêm trọng.
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.
Trường hợp 2: Người phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật hình sự quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
Theo đó, Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù. Nếu người phạm tội nghiêm trọng nhưng có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng thì vẫn được xem xét để áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.
Lưu ý: Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.
Nghĩa vụ của người bị kết án cải tạo không giam giữ
Theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 36 Bộ luật hình sự 2015 và Điều 99 Luật thi hành án hình sự 2019, người bị kết án cải tạo không giam giữ có các nghĩa vụ sau:
– Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định pháp luật;
– Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, các hình phạt bổ sung theo bản án của Tòa án;
– Thực hiện nghĩa vụ nộp phần thu nhập bị khấu trừ; thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo quy định của pháp luật;
– Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc;
– Chấp hành quy định của Luật thi hành án hình sự về việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ;
– Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;
– Hằng tháng phải nộp bản tự nhận xét về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 100 của Luật thi hành án hình sự 2019.
– Bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án. Trường hợp người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự thì không khấu trừ thu nhập
– Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ. Theo đó, thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần. Trường hợp phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng thì không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng.
Trên đây là tư vấn của Hãng Luật Bạch Tuyết về chủ đề “Điều kiện và nghĩa vụ của người bị kết án cải tạo không giam giữ”. Nếu quý khách có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết,
- Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
- Website: https://hangluatbachtuyet.com/
2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh
- Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết – Chi nhánh Phú Nhuận
- Số điện thoại: 0376019226
Các bài viết liên quan:
Không tiếp nhận cấp cứu cho người bệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Sử dụng hình ảnh trái phép của người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt tù lên đến 5 năm