Chế độ tai nạn lao động cho 5 công nhân ngạt khí khi nạo vét cống tại Bình Chánh TPHCM

Chế độ tai nạn lao động cho 5 công nhân ngạt khí khi nạo vét cống tại bình chánh tphcm

Sáng 26/7/2023, các trang báo đồng loạt đưa tin về sự việc 5 công nhân thực hiện việc nạo vét hệ thống thoát nước ở địa bàn huyện Bình Chánh, TP.HCM thì bị mắc kẹt dưới cống khiến 1 người tử vong, 4 người bị thương.

Cho đến đầu giờ chiều ngày 26/7, Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM đã hoàn tất khám nghiệm hiện trường vụ 5 công nhân của Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP.HCM.

Tai nạn lao động là rủi ro mà người lao động luôn phải đối mặt trong quá trình làm việc của mình. Chế độ tai nạn lao động là chính sách an sinh hữu ích nhất hiện nay nhằm chia sẻ gánh nặng giúp người lao động vượt qua khó khăn và tạo động lực giúp người lao động an tâm hơn trong quá trình thực hiện công việc.

Hãy cùng Hãng Luật Bạch Tuyết tìm hiểu đối với trường hợp của 4 công nhân bị thương và thân nhân 1 công nhân bị tử vong sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động như thế nào nhé.

1. Thế nào là tai nạn lao động?

Theo khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Trong trường hợp của 5 công nhận thì có 1 người tử vong và 4 người bất tỉnh phải nhập viện cấp cứu trong quá trình thực hiện công việc nạo vét hệ thống thoát nước của Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP.HCM. Cần chờ Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh kết luận 5 người công nhân này bị thương hoặc chết do tai nạn lao động, trường hợp này 5 công nhận bị tai nạn lao động trong quá trình thực hiện lao động thì điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động là gì và chế độ được hưởng là gì?

2. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động là gì?

Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động chi trả, theo đó người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

(i) Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh.

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động.

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

(ii) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

(iii) Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này, cụ thể:

a) Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

b) Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

c) Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

Lưu ý: Bên cạnh chế độ tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động thì người lao động bị tai nạn lao động còn được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nếu người lao động thuộc một trong các trường hợp quy định khoản 1 Điều 40 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 vừa nêu thì người lao động cũng không được hưởng chế độ tai nạn lao động từ người sử dụng lao động tại Điều 38 và Điều 39 Luật này.

Trường hợp 1 công nhân tử vong thì có thể được hưởng chế độ tai nạn lao động khi Biên bản điều tra tai nạn lao động kết luận việc tử vong này do quá trình thực hiện công việc lao động và không thuộc các trường hợp không được hưởng chế độ tai nạn lao động. Còn đối với 4 công nhân bị bất tỉnh thì còn phải xác định thêm mức suy giảm khả năng lao động có đáp ứng điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động không.

Chế độ tai nạn lao động cho 5 công nhân ngạt khí khi nạo vét cống tại bình chánh tphcm
chế độ tai nạn lao động cho 5 công nhân ngạt khí khi nạo vét cống tại bình chánh tphcm

3. Chế độ tai nạn lao động được hưởng là gì?

Trong vụ việc này có 1 người tử vong nên cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động để tiến hành điều tra xác định chính xác đó có là tai nạn lao động chết người hay không. Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh gồm có đại diện của Thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Sở Y tế, đại diện Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và một số thành viên khác.

Khi có Kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động và Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh kết luận là tai nạn lao động chết người thì 4 người công nhân bị thương và thân nhân của 1 công nhân bị tử vong có thể được hưởng những chế độ sau đây:

3.1. Chế độ tai nạn lao động từ người sử dụng lao động – Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP.HCM

  • Tạm ứng chi phí sơ cứu

Khi người lao động bị tai nạn, người sử dụng lao động có trách nhiệm kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động.

  • Thanh toán chi phí y tế

Người sử dụng lao động phải thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động như sau:

(i) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.

(ii) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

(iii) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

  • Trả đủ tiền lương

Trong thời gian người lao động phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động thì người sử dụng lao động vẫn phải trả đủ tiền lương cho người lao động. Tiền lương để làm cơ sở trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

  • Bồi thường, trợ cấp cho người lao động

Tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2021 quy định các trường hợp người lao động bị tai nạn lao động được bồi thường khi người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra.

Tiền lương để làm cơ sở bồi thường, trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Mức bồi thường tai nạn lao động được tính như sau:

(i) Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

(ii) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này:

Tbt = 1,5 + {(a – 10) x 0,4}

Trong đó:

– Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

– 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;

– a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.

Ví dụ 1:

– Ông A bị bệnh nghề nghiệp, giám định sức khỏe lần thứ nhất xác định mức suy giảm khả năng lao động là 15%. Mức bồi thường lần thứ nhất cho ông A tính như sau:

Tbt = 1,5 + {(15 – 10) x 0,4} = 3,5 (tháng tiền lương).

– Định kỳ, ông A giám định sức khỏe lần thứ hai thì mức suy giảm khả năng lao động được xác định là 35% (mức suy giảm khả năng lao động đã tăng hơn so với lần thứ nhất là 20%). Mức bồi thường lần thứ hai cho ông A là:

Tbt = 20 x 0,4 = 8,0 (tháng tiền lương).

Nguyên tắc bồi thường tai nạn lao động:

(i) Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện bồi thường lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.

(ii) Việc bồi thường đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định sau:

– Lần thứ nhất căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động (tỷ lệ tổn thương cơ thể) trong lần khám đầu;

– Từ lần thứ hai trở đi căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức (%) suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề.

Ngược lại, trong trường hợp người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, nếu nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn gây ra (căn cứ theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động) thì không được bồi thường nhưng sẽ được hưởng trợ cấp tai nạn lao động.

Mức trợ cấp tai nạn lao động:

Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định bồi thường tai nạn lao động với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng. Cụ thể:

  1. a) Ít nhất 12 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động;
  2. b) Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì tính theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục Iban hành kèm theo Thông tư này:

Ttc = Tbt x 0,4

Trong đó:

– Ttc: Mức trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

– Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương).

Ví dụ 2:

– Ông B bị tai nạn lao động lần thứ nhất do ông B đã vi phạm quy định về an toàn lao động, không do lỗi của ai khác. Giám định sức khỏe xác định mức suy giảm khả năng lao động của ông B là 15% do vụ tai nạn này. Mức trợ cấp lần thứ nhất cho ông B là: Ttc = Tbt x 0,4 = 3,5 x 0,4 =1,4 (tháng tiền lương).

– Lần tiếp theo ông B bị tai nạn khi đi từ nơi làm việc về nơi ở (được điều tra và xác định là thuộc trường hợp được trợ cấp theo quy định tại khoản 1 Điều này). Giám định sức khỏe xác định mức suy giảm khả năng lao động do lần tai nạn này là 20%. Mức trợ cấp lần thứ hai cho ông B là:

Ttc = Tbt x 0,4 = 5,5 x 0,4 = 2,2 (tháng tiền lương).

Nguyên tắc trợ cấp tai nạn lao động:

Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.

Như vậy, người công nhân bị tử vong do tai nạn lao động thì thân nhân của người này có thể được bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương trong trường người công nhân này hoàn toàn không có lỗi hoặc được trợ cấp ít nhất 12 tháng tiền lương nếu có lỗi do người này gây ra.

  • Giới thiệu giám định y khoa

Người sử dụng lao động có trách nhiệm giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật.

  • Sắp xếp công việc phù hợp

Người sử dụng lao động còn có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.

  • Lập hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động

Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.

Chế độ tai nạn lao động cho 5 công nhân ngạt khí khi nạo vét cống tại bình chánh tphcm
chế độ tai nạn lao động cho 5 công nhân ngạt khí khi nạo vét cống tại bình chánh tphcm

3.2. Chế độ tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động

Bên cạnh những chế độ thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động thì người lao động bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người lao động bị chết do tai nạn lao động còn được hưởng chế độ tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bao gồm:

  • Trợ cấp tai nạn lao động của BHXH

Căn cứ Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động thì thân nhân của người công nhân bị tử vong có thể được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

b) Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

c) Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

  • Chế độ tử tuất

Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định bên cạnh trợ cấp tai nạn lao động thì thân nhân của người công nhân bị tử vong còn được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Mục 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định chế độ tử tuất bao gồm:

– Trợ cấp mai táng

Người lo mai táng cho người công nhân tử vong được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người công nhân này bị chết. Thời điểm người công nhân bị tử vong do tai nạn lao động là tháng 07/2023 thì mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/20230. Như vậy, trợ cấp mai táng cho người lo mai táng là 18 triệu đồng.

– Trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất 1 lần

Thân nhân của người công nhân bị tử vong được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:

(i) Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

(ii) Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

(iii) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;

(iv) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

Thân nhân thuộc trường hợp (ii), (iii), (iv) phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở (thu nhập này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì thân nhân của người công nhân bị tử vong do tai nạn lao động đáp ứng đủ điều kiện trên được hưởng tiền tuất hằng tháng bằng 50% mức lương cơ sở, trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng người công nhân này chết, tức là từ tháng 8/2023. Trường hợp vợ của người công nhân này đang mang thai thì con của người công nhân bị chết sẽ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng mà đứa bé này được sinh ra.

Tuy nhiên, thân nhân của người công nhân bị tử vong có thể hưởng trợ cấp tuất một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng theo quy định

(ii) Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ của người công nhân tử vong mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Mức trợ cấp tuất một lần tính theo số năm đã đóng BHXH nhưng không thấp hơn 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Trên đây là bài viết liên quan đến “Chế độ tai nạn lao động cho 5 công nhân ngạt khí khi nạo vét cống tại Bình Chánh TPHCM”, Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào khác liên quan đến chế độ tai nạn lao động hoặc các vấn đề khác hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

  • Số điện thoại: 094.994.0303 hoặc 0987.431.347
  • Email: luatbachtuyet@gmail.com
  • Facebook: Hãng Luật Bạch Tuyết
  • Website: hangluatbachtuyet.com
  • Địa chỉ trụ sở chính: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Địa chỉ chi nhánh 1: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài viết liên quan:

Number of views: 117

Leave a Reply

Your email address will not be published.