Khi nghỉ việc tại công ty người lao động sẽ được hưởng trợ cấp trong trường hợp nào?

Người lao động

Việc bắt đầu và kết thúc một mối quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động có lẽ đã không còn quá xa lạ đối với tất cả chúng ta. Tuy nhiên, rất ít người lao động đủ hiểu biết để nhận ra quyền lợi của mình liệu có được đảm bảo sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Hay nói cách khác là sau khi nghỉ việc thì người sử dụng lao động có còn trách nhiệm nào đối với người lao động hay không, pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này? Sau đây Hãng Luật Bạch Tuyết xin gửi tới Quý khách hàng ý kiến tư vấn trên cơ sở pháp luật đối với vấn đề trên.

Người lao động

Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc trong trường hợp nào?

1. Điều kiện hưởng trợ cấp

Căn cứ quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, khoản 1 Điều 8 Nghị Định 145/2020/NĐ-CP thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc nếu:

Thứ nhất, hai bên chấm dứt hợp đồng lao động khi: 

  • Hết hạn hợp đồng;
  • Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng;
  • Các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;
  • Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
  • Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
  • Người sử dụng lao động là cá nhân chết hoặc người sử dụng lao động là tổ chức chấm dứt hoạt động; 
  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật;
  • Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật.

Thứ hai, thời gian làm việc của người lao động phải từ đủ 12 tháng trở lên.

Thứ ba, người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định pháp luật. 

Thứ tư, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không thuộc trường hợp nghỉ 5 ngày làm việc liên tục trở trên mà không có lý do chính đáng.

Thứ năm, trong quá trình làm việc người lao động không được tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc có tham gia nhưng không đủ so với thời gian làm việc cho người sử dụng lao động.

2. Cách tính trợ cấp thôi việc

Căn cứ quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 thì khi đủ điều kiện nhận trợ cấp thôi việc, thì khoản trợ cấp đó sẽ được tính như sau: 

Trợ cấp thôi việc = Thời gian tính trợ cấp thôi việc (tính theo năm) x ½ tháng lương tính trợ cấp thôi việc.

  • Thời gian tính trợ cấp thôi việc = Thời gian làm việc thực tế – thời gian đã được tham gia bảo hiểm thất nghiệp – thời gian người sử dụng lao động đã chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc (nếu có).
  • Lương tính trợ cấp thôi việc = Lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Ví dụ: Anh A làm việc cho công ty B được 2 năm, trong quá trình làm việc thì công ty B không tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho anh A,  với lương bình quân 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi nghỉ việc là 15.000.000 đồng. Vậy sau khi thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với công ty B thì anh A sẽ được hưởng trợ thôi việc là bao nhiêu?

Trợ cấp thôi việc của anh A =  Thời gian tính trợ cấp thôi việc (tính theo năm) x ½ tháng lương tính trợ cấp thôi việc. 

Thời gian tính trợ cấp thôi việc lúc này là: 2 năm vì công ty B không tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho anh A cũng như chưa chi trả bất cứ khoản trợ cấp nào trước đó.

Lương tính trợ cấp thôi việc: Lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi thôi việc, tức 15.000.000 đồng.

Vậy lúc này trợ cấp thôi việc anh A được nhận là: 2 x ½ 15.000.000 = 15.000.000

Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp mất việc trong trường hợp nào?

1. Điều kiện hưởng trợ cấp

Căn cứ quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2019, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp mất việc nếu: 

Thứ nhất, người lao động bị cho nghỉ việc bởi các lý do: 

  • Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
  • Người sử dụng lao động chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thứ hai, thời gian làm việc của người lao động phải từ đủ 12 tháng trở lên.

Thứ ba, trong quá trình làm việc người lao động không được tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc có tham gia nhưng không đủ so với thời gian làm việc cho người sử dụng lao động.

2. Cách tính trợ cấp mất việc

Căn cứ quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 thì khi đủ điều kiện nhận trợ cấp mất việc thì khoản trợ cấp đó sẽ được tính như sau: 

Trợ cấp mất việc = Thời gian tính trợ cấp mất việc (tính theo năm) x 1 tháng lương tính trợ cấp mất việc.

  • Thời gian tính trợ cấp mất việc = thời gian làm việc thực tế – thời gian đã được tham gia bảo hiểm thất nghiệp – thời gian người sử dụng lao động đã chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc (nếu có).
  • Lương tính trợ cấp mất việc = Lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc.

Lưu ý: Trợ cấp mất việc mà người lao động nhận được sẽ không được nhỏ hơn 2 tháng tiền lương tính trợ cấp mất việc.

Ví dụ: Anh A làm việc cho công ty B được 1 năm, trong quá trình làm việc thì công ty B không tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho anh A,  với lương bình quân 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi nghỉ việc là 15.000.000 đồng. Vậy sau nghỉ việc với lý do công ty B thay đổi cơ cấu nhân sự thì A sẽ được hưởng trợ cấp mất việc là bao nhiêu?

Trợ cấp mất việc của anh A = Thời gian tính trợ cấp mất việc (tính theo năm) x 1 tháng lương tính trợ cấp mất việc. 

Thời gian tính trợ cấp mất việc lúc này là: 1 năm vì công ty B không tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho anh A cũng như chưa chi trả bất cứ khoản trợ cấp nào trước đó.

Lương tính trợ cấp mất việc là: lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi mất việc, tức 15.000.000 đồng.

Vậy lúc này trợ cấp mất việc anh A được tính như sau: 1 x 15.000.000 = 15.000.000 đồng.

Tuy nhiên trong trường hợp này trợ cấp tính ra nhỏ hơn 2 tháng tiền lương tính trợ cấp mất việc, vì vậy trợ cấp anh A nhận được sẽ là 2 tiền tháng lương tính trợ cấp mất việc là: 30.000.000 đồng.

Do đó, khi nghỉ việc tại công ty, người lao động cần xem xét liệu mình có thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật hay không, để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trên đây là toàn bộ nội dung chúng tôi muốn gửi tới Quý khách hàng. Để được tư vấn cụ thể và có những giải đáp tốt nhất, Quý khách hàng hãy liên hệ ngay cho chúng tôi bằng một trong những phương thức sau:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết liên quan:

Number of views: 527

Leave a Reply

Your email address will not be published.