Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

TÌNH HUỐNG: (Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại) Chào Quý Luật sư, tôi có một vấn đề pháp lý mong muốn được Quý Luật sư giải đáp như sau: Bố mẹ tôi sinh được 4 người con bao gồm tôi và A, B, C (tất cả đều trên 18 tuổi và đều bình thường). Đợt covid vừa qua thì bố tôi đã mất và không để lại di chúc. Tài sản của bố tôi bao gồm 1 lô đất tại Bình Dương trị giá khoảng 2.000.000.000 đồng và bố tôi có khoảng nợ 1.000.000.000 đồng. Như vậy, thì tài sản mà bố tôi để lại và khoảng nợ này sẽ được giải quyết như thế nào. Tôi xin cảm ơn.

Giải đáp

Cảm ơn Quý khách hàng đã tin tưởng và gửi vấn đề pháp lý đến Hãng Luật Bạch Tuyết. Với sự việc này, Hãng luật Bạch Tuyết sẽ giải đáp cho Quý khách hàng như sau:

1. Phân chia di sản thừa kế theo pháp luật:

Theo như Quý khách hàng trình bày thì bố bạn mất không để lại di chúc nên di sản thừa kế là lô đất tại Bình Dương trị giá 2.000.0000.000 đồng sẽ được chia đều từng phần cho các hàng thừa kế thứ nhất của người bố theo quy định pháp luật bao gồm: Mẹ, bạn và A, B, C. Nhưng do bạn không trình bày lô đất này là tài sản chung của bố mẹ hay tài sản riêng của bố nên chúng tôi sẽ chia hai trường hợp như sau:

  • Trường hợp lô đất là tài sản riêng của bố:

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định “1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

 Từ các căn cứ trên, thì di sản là lô đất trị giá 2.000.000.000 đồng sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế cùng hàng thứ nhất của bố bạn bao gồm: Mẹ, bạn và A, B, C. Do đó, mỗi kỷ phần của các đồng thừa kế sẽ được hưởng là:

     – Di sản trị giá: 2.000.000.000 đồng : 5 người = 400.000.000 đồng.

     => Do vậy mỗi người thừa kế sẽ được nhận 400.000.000 đồng.

  • Trường hợp lô đất là tài sản chung của bố mẹ:

 Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

  1. Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
  2. Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
  3. Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
  4. Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”

Giả sử sự việc của bạn không thuộc vào các yếu tố theo quy định nêu trên thì phần tài sản là lô đất trị giá 2.000.000.000 đồng tại Bình Dương sẽ được đôi cho mẹ bạn. Theo đó, mẹ bạn sẽ nhận được 1.000.000.000 đồng trên khối tài sản này. Trường hợp mẹ bạn muốn nhận hiện vật là lô đất thì phải thanh toán phần chênh lệch là 1.000.000.000 đồng cho bố bạn để làm di sản thừa kế hoặc ngược lại theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

Tiếp đó, phần giá trị chênh lệch là 1.000.000.000 đồng là di sản của bố bạn thì sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế cùng hàng thứ nhất của bố bạn bao gồm: Mẹ, bạn và A, B, C. Do đó, mỗi kỷ phần của các đồng thừa kế sẽ được hưởng là: 1.000.000.000 đồng : 5 người = 200.000.000 đồng.

     => Do vậy, mỗi người thừa kế sẽ được hưởng trị giá là: 200.000.000 đồng.

     => Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật là lô đất; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật và thanh toán giá trị chênh lệch cho các đồng thừa kế; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

2. Giải quyết nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:

Theo như Quý khách hàng trình bày, người bố mất và để lại một khoảng nợ 1.000.000.000 đồng (giả sử mục đích vay tiền là phục vụ cho các nhu cầu chung của gia đình) thì sẽ giải quyết như sau:

Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

  1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

……

  1. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Theo quy định này, thì trường hợp di sản thừa kế đã được phân chia thì mỗi người thừa kế là Mẹ, bạn và A, B, C sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do bố bạn chết để lại là khoảng nợ 1.000.000.000 đồng. Theo đó, khoản nợ 1.000.000.000 đồng sẽ được chia đều cho 5 người thừa kế thì mỗi người sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ là 200.000.000 đồng/kỷ phần được nhận như đã phân tích ở mục 1.1 hoặc 1.2 nêu trên.

Trên đây là tư vấn của Hãng luật Bạch Tuyết về sự việc của Quý khách hàng. Nếu có thắc mắc xin liên hệ Hãng luật Bạch Tuyết theo thông tin sau:

Các bài viết liên quan:

Thủ tục yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Nghĩa vụ liên đới trả nợ của vợ chồng

Number of views: 440

Leave a Reply

Your email address will not be published.