Nghĩa vụ liên đới trả nợ của vợ chồng

Nghĩa vụ liên đới trả nợ của vợ chồng

Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. (Theo quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật dân sự 2015)

Theo đó, “nghĩa vụ liên đới trả nợ của vợ chồng” có thể hiểu là nghĩa vụ trả nợ do vợ và chồng cùng thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu vợ hoặc chồng có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Khi nào phát sinh nghĩa vụ liên đới trả nợ của vợ chồng?

Để phát sinh nghĩa vụ liên đới trả nợ của vợ chồng thì trước hết hai bên phải tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp, là vợ, chồng của nhau trước pháp luật và khoản nợ phải hình thành trong thời kỳ hôn nhân.

Theo đó, hai người được xem là vợ chồng hợp pháp khi cả hai thỏa mãn điều kiện để kết hôn quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 và thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ, chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân. Thời điểm bắt đầu của thời kỳ hôn nhân được tính từ khi hai bên nam nữ đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp giấy chứng nhận kết hôn hoặc kể từ ngày hai bên bắt đầu chung sống (trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ, chồng từ trước ngày 03/1/1987 mà chưa đăng ký kết hôn) đến khi quan hệ hôn nhân chấm dứt (khi một bên vợ, chồng chết; một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố chết hoặc ly hôn).

Ngoài ra, để vợ chồng phải liên đới trả nợ thì khoản nợ này phải được phát sinh từ các trường hợp quy định tại Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Cụ thể, khoản nợ này phải:

– Phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, từ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

– Do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

– Phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

– Từ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường.

Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ nêu trên. Đồng thời, vợ, chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các Điều 24, 25 và 26 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (đại diện giữa vợ, chồng trong quan hệ kinh doanh…).

 

Nghĩa vụ liên đới trả nợ của vợ chồng
Nghĩa vụ liên đới trả nợ của vợ chồng

Khi nào vợ, chồng không có nghĩa vụ liên đới trả nợ?

Đối với các khoản nợ ngoài các trường hợp nêu trên thì được coi là khoản nợ riêng của vợ/chồng. Các khoản nợ riêng được xác định như sau: Khoản nợ không do hai bên cùng thỏa thuận mà do một bên tự ý xác lập thuộc các trường hợp sau thì có thể được xác định là nợ riêng:

– Không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Không phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

– Không để duy trì, không để phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

– Không phải nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra theo quy định pháp luật;

– Không phải thuộc trường hợp đại diện giữa vợ và chồng theo quy định tại Điều 24, 25 và 26 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Đối với khoản nợ riêng này, người xác lập nợ có nghĩa vụ trả toàn bộ khoản nợ, không được dùng tài sản chung của vợ chồng để thanh toán cho những khoản nợ này.

Trên đây là bài viết của Hãng Luật Bạch Tuyết về vấn đề “Nghĩa vụ liên đới trả nợ của vợ chồng”. Nếu gặp bất cứ khó khăn nào liên quan đến nghĩa vụ liên đới trả nợ của vợ chồng, hãy liên hệ với Hãng Luật Bạch Tuyết để được hỗ trợ và sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Hãng Luật Bạch Tuyết sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

 Bài viết liên quan

Hồ sơ và trình tự, thủ tục xin xác nhận tình trạng hôn nhân

Number of views: 451

Leave a Reply

Your email address will not be published.