Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Để đi sâu vào phân tích cách thức chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, chúng ta cần hiểu tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là gì. Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

– Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng gồm:

(1) Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình;

(2) Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình.

– Thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm:

(1) Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp;

(2) Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước;

(3) Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

1. Nguyên tắc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân có thể được phân chia theo 02 cách:

– Cách 1: Vợ chồng thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung: Thỏa thuận này phải lập thành văn bản và được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng và theo quy định của pháp luật. Như vậy, khi vợ chồng thỏa thuận phân chia tài sản chung phải lập thành văn bản và được văn phòng công chứng chứng thực.

– Cách 2: Yêu cầu Tòa án giải quyết: Thông thường, các vợ chồng chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết khi không thể thỏa thuận được việc phân chia tài sản chung.

2. Thời điểm có hiệu lực của việc phân chia tài sản chung

– Trường hợp phân chia theo thỏa thuận bằng văn bản có công chứng: Thời điểm có hiệu lực là thời điểm được ghi nhận trong văn bản phân chia, nếu văn bản phân chia không đề cập thì có hiệu lực kể từ ngày các bên kí vào biên bản đó;

– Trường hợp yêu cầu Tòa án giải quyết: Có hiệu lực từ thời điểm bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

3. Các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng mất hiệu lực

Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

– Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

+ Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

+ Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

+ Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;

+ Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

+ Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;

+ Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của Hãng luật Bạch Tuyết về cách thức phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Quý khách hàng có thắc mắc xin liên hệ Hãng luật Bạch Tuyết theo thông tin sau:

1/ Trụ sở: 1132 Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chi nhánh: 144D Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết liên quan:

Thủ tục yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Nghĩa vụ liên đới trả nợ của vợ chồng

Number of views: 500

Leave a Reply

Your email address will not be published.